Theo các bác sĩ, hiện nay khá nhiều người khi phải dùng kháng sinh hoặc khi bị bệnh tiêu hóa là bổ sung men tiêu hóa tuy nhiên người tiêu dùng không nên sử dụng tùy tiện vì có thể gây hại sức khỏe.

Men tiêu hóa là tên gọi chung của nhóm sản phẩm đóng vai trò tương tự như các men trong đường ruột của con người. Chúng rất cần thiết để hỗ trợ tiêu hóa ở những người bị thiếu hụt các men do bệnh lý hay cả sinh lý. Cũng như các loại thuốc khác, việc sử dụng men tiêu hóa cần phải đúng chỉ định nếu không sẽ để lại nhiều tác hại.

Chị Đỗ Thị P., 38 tuổi (Hà Nội), thấy bụng khó tiêu, đầy chướng nên mua men tiêu hóa về dùng. Nào ngờ được hai hôm bị đau quặn bụng, buồn nôn, nôn và đi ngoài ra máu. Đi khám được kết luận xuất huyết tiêu hóa mà nguyên nhân có thể là do đã bổ sung men tiêu hóa.

Ngược lại, ông Nguyễn Văn H., 51 tuổi (Thái Bình), lại dùng men tiêu hóa hằng ngày nhiều năm nay, bởi nếu không uống là ông lại thấy đại tiện táo hoặc bụng chướng, thức ăn không tiêu…Gần đây ông uống thuốc cũng không còn tác dụng nữa, đi khám, xét nghiệm bác sĩ khuyên ông phải bỏ hẳn men tiêu hóa vì cơ thể ông lệ thuộc vào thuốc quá nhiều khiến cho dịch tiêu hóa không tiết ra nữa… Ông không thể ngờ rằng tự mình đã biến cơ thể “lành” thành bệnh.


Không nên lạm dụng hoặc tự ý dùng men tiêu hóa. Ảnh minh họa

Liên quan tới việc người dân tự ý sử dụng men tiêu hóa, bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện 103 cho biết thực tế có rất nhiều người là bệnh nhân của men tiêu hóa mà không biết. Men tiêu hóa vẫn được coi là “thuốc bổ” của hệ tiêu hóa nên nhiều người dùng để bồi bổ. Tuy nhiên việc dùng tùy tiện, tiêu hóa kém là dùng men tiêu hóa, đi ngoài là dùng men tiêu hóa… không những không có lợi mà còn có thể bị bệnh tiêu hóa do chính men tiêu hóa.

Bởi men tiêu hóa là các chế phẩm có bổ sung các enzym tiêu hóa đông khô chúng sẽ giúp thức ăn phân hủy dễ dàng hơn và rất thích hợp cho những người đang bị chứng thiểu năng dịch dạ dày và các dịch tiêu hóa khác. Nhưng chính vì điều này đôi khi nó gây ra trục trặc, thậm chí là các trục trặc rất lớn.

Bác sĩ Cao Hồng Phúc phân tích, men tiêu hóa chỉ phù hợp với người thiểu năng tiết dịch tiêu hóa nên nếu là người bị ưu năng dịch dạ dày thì chúng hại nhiều hơn lợi, thậm chí gây chảy máu dạ dày. Cơ chế gây viêm loét dạ dày ở đây là do dịch dạ dày tiết ra quá nhiều, ăn mòn và phá hủy luôn niêm mạc. Dùng men tiêu hóa là vô tình bổ sung các dịch này làm cho bệnh nặng thêm.

Theo bác sĩ Phúc, có nhiều người khi tiêu chảy là dùng ngay men tiêu hóa để chữa, họ không biết rằng làm như vậy là hoàn toàn sai. Men tiêu hóa còn làm tăng tiêu chảy. Sản phẩm men tiêu hóa chứa các men từ dạ dày sẽ làm tăng nồng độ dịch vị nên có thể dẫn đến kích thích quá mức hệ thần kinh ruột. Hậu quả là người bệnh sẽ đi ngoài nặng thêm.

Một tác hại của việc lạm dụng men tiêu hóa đó là việc sử dụng tràn lan ngay cả khi đang dùng thuốc kháng sinh. Đặc điểm là các men tiêu hóa của dịch dạ dày có tác dụng phân hủy kháng sinh rất mạnh. Nếu như chúng ta dùng men tiêu hóa trong khi chúng ta đang phải dùng kháng sinh thì nguy cơ thuốc kháng sinh bị phân hủy là chắc chắn và do đó hiệu quả chống nhiễm trùng sẽ không đạt được và như vậy rất nguy hiểm cho tính mạng.

Bác sĩ Phúc khuyên tuy men tiêu hóa được coi là sản phẩm giúp hệ tiêu hóa tốt hơn nhưng không nên lạm dụng hoặc tự ý sử dụng. Tốt nhất chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bị rối loạn tiêu hóa phải dùng men tiêu hóa thì không nên chọn loại men tiêu hóa có các men của dạ dày như pepsin mà nên chọn men vi sinh (tức loại chứa vi khuẩn có lợi, một số người cũng đánh đồng gọi chúng là men tiêu hóa).

Tuyệt đối không nên dùng chung kháng sinh với men tiêu hóa. Nếu bắt buộc phải dùng hai thứ vì hai bệnh kết hợp, thì nên uống kháng sinh trước, sau chừng 30 phút đến 1 giờ mới được dùng men tiêu hóa.

Trường hợp dùng men tiêu hóa lâu ngày khiến cơ thể không tiết men tiêu hóa nữa thì phải dừng. Tuy nhiên không nên bỏ hoàn toàn ngay mà hãy giảm liều dần dần và dừng hẳn, có thể giúp hệ tiêu hóa được phục hồi. Còn nếu dịch tiết men tiêu hóa của cơ thể vẫn đang ở ngưỡng an toàn thì nên dừng ngay men tiêu hóa trước khi quá trễ.

Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, ngành Dược đã làm ra các chế phẩm của men tiêu hóa dưới dạng viên hay ống nước, chứa thành phần enzyme được tổng hợp nhân tạo, mô phỏng tương tự như hoạt động tiêu hóa sinh lý trong thực tế. Từ đó, men tiêu hóa đưa từ ngoài vào sẽ giúp người bệnh tăng tốc độ tiêu thụ thức ăn, hấp thu nhiều chất dinh dưỡng và cũng giúp phần nào cải thiện chứng đầy hơi, biếng ăn, ăn chậm tiêu, suy dinh dưỡng… Lưu ý là khi bổ sung các chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa dạng men, cần uống kèm sau một bữa ăn chính, đa dạng các loại thức ăn, giàu dưỡng chất. Nếu được như vậy, men tiêu hóa sẽ có cơ hội được phát huy tác dụng tốt nhất.

Tất cả những đối tượng bị rối loạn hoạt động tiết men tiêu hóa như nêu trên, kể cả đối tượng là trẻ em, đều có thể dùng được men tiêu hóa. Tuy nhiên, tuyệt đối không được lạm dụng mà luôn cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Đôi khi người bệnh chỉ cần một loại men chuyên biệt nào đó thay vì cả hệ men với nhiều loại khác nhau, hoặc có khi người bệnh chỉ cần hỗ trợ một thời gian trong lúc chờ cơ quan hồi phục hay cần phải dùng thay thế suốt đời.

Vậy nên, chỉ nên dùng men tiêu hóa khi thật cần thiết để tránh lệ thuộc và với liều lượng vừa đủ, không thiếu lẫn không dư thừa. Nếu dùng men tiêu hóa tùy tiện trong thời gian dài, khả năng các tuyến tiết ra men tiêu hóa nội sinh sẽ bị ức chế hoặc nồng độ men quá cao dễ làm tổn thương cơ quan. Thông thường, thời gian sử dụng men tiêu hóa mỗi đợt không nên quá 10-15 ngày.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20-1:2024/BYT quy định mức giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Quy chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định giới hạn tối đa các chất ô nhiễm (kim loại nặng và vi sinh vật); lấy mẫu và phương pháp thử; yêu cầu quản lý; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với sản phẩm rượu bổ được công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, giới hạn tối đa kim loại nặng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quy định: Về asen tổng số mức giới hạn là 5,0, asen vô cơ là 1,5ML; cadmi mức giới hạn là 3,0ML và 1,0ML; chì là 10,0ML; thủy ngân là 0,5.

Giới hạn tối đa vi sinh vật trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quy định đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa thành phần từ thực vật, phải được xử lý bằng nước sôi (ngâm nước sôi, nhúng nước sôi…) theo hướng dẫn trước khi sử dụng.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/nguy-co-mac-benh-vi-lam-dung-thuoc-bo-men-tieu-hoa-d223570.html