Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nam Á Cường Thận của Công ty TNHH sản xuất và XNK thực phẩm chức năng Asean chứa chất cấm.
Theo Cục An toàn thực phẩm, đây là hành động tiếp theo liên quan đến sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nam Á Cường Thận của Công ty TNHH sản xuất và XNK thực phẩm chức năng Asean (địa chỉ: Số 33, ngõ 30 đường nhánh 422, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) chứa chất cấm Sildenafil và Tadanafil.
Trước đó, ngày 12/9/2022 Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Quyết định số 98/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH sản xuất và XNK thực phẩm chức năng Asean về hành vi vi phạm: “Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 5.000.000 đồng”, mức tiền phạt: 90.0000.000 đồng.
Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nam Á Cường Thận số 4984/2019/ĐKSP ngày 10/5/2019 do Cục An toàn thực phẩm cấp cho Công ty TNHH Sản xuất và XNK thực phẩm chức năng Asean trong thời gian 14 tháng, thời hạn thực hiện hình thức xử phạt bổ sung từ ngày 12/9/2022.
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nam Á Cường Thận chứa chất cấm Sildenafil và Tadanafil.
Tiếp nhận thông tin từ Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, ngày 29/9/2022 Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 2446/ATTP-PCTTR gửi Sở Y tế Bình Thuận, Thái Nguyên, Bắc Kạn; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra, giám sát trên địa bàn đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nam Á Cường Thận sản xuất trong thời gian tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4984/2019/ĐKSP ngày 10/5/2019.
Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thông tin nêu trên, trường hợp phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nam Á Cường Thận sản xuất trong thời gian tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4984/2019/ĐKSP ngày 10/5/2019 (từ ngày 12/9/2022 đến ngày 12/11/2023) đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Sildenafil là thuốc dùng điều trị tăng huyết áp động mạch phổi. Thuốc làm thư giãn và mở rộng các mạch máu trong phổi cho phép máu lưu thông dễ dàng hơn. Giảm huyết áp cao trong phổi cho phép tim và phổi của người bệnh làm việc tốt hơn và cải thiện khả năng tập thể dục. Ngoài điều trị tăng huyết áp động mạch phổi, sildenafil cũng có sẵn trong các thương hiệu khác, ví dụ như viagra và độ mạnh khác nhau để điều trị rối loạn chức năng cương dương ở nam giới.
Tadalafil là thuốc được sử dụng để điều trị các vấn đề về chức năng tình dục ở nam giới (liệt dương). Kết hợp với kích thích tình dục, tadalafil tác động bằng cách làm tăng lưu lượng máu đến dương vật giúp nam giới đạt và duy trì trạng thái cương cứng. Ngoài ra, tadalafil cũng được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh phì đại tuyến tiền liệt (u tuyến tiền liệt lành tính). Do làm giãn cơ trơn ở tuyến tiền liệt và bàng quang nên thuốc giúp làm giảm các triệu chứng tiểu khó, tiểu yếu và nhu cầu cần đi tiểu thường xuyên hoặc gấp gáp (bao gồm lúc nửa đêm). Tadalafil cũng có thể có trong một biệt dược khác để điều trị tăng huyết áp ở phổi.
Theo DS. Nguyễn Thu Giang, sildenafil là hoạt chất của thuốc viagra, còn tadalafil là hoạt chất của thuốc cialis. Hai thuốc này đã được FDA chấp thuận kê đơn sử dụng để điều trị rối loạn chức năng cương dương. Thuốc sẽ được dùng một cách an toàn và hiệu quả khi người bệnh thực hiện chính xác theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và cách sử dụng…
Khi sử dụng các sản phẩm có chứa sildenafil và tadalafil, người dùng có nguy cơ gặp tác dụng phụ không mong muốn. Nhẹ là cảm giác nóng hay mẩn đỏ ở mặt, cổ, ngực, hay nghẹt mũi, đau đầu, vấn đề về trí nhớ, khó chịu ở dạ dày, đau lưng…, nặng hơn gây mất thị lực đột ngột, ù tai hoặc mất thính lực đột ngột, đau ngực hoặc cảm giác nặng nề, đau lan ra cánh tay hoặc vai, buồn nôn, ra mồ hôi, cảm giác bị bệnh, nhịp tim không đều, sưng tay, mắt cá chân hoặc bàn chân, khó thở, thay đổi tầm nhìn, cảm giác sảng, ngất xỉu. Người bệnh cần đi cấp cứu ngay nếu có bất cứ dấu hiệu phản ứng dị ứng như: phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, họng hoặc dấu hiệu dị ứng nặng như trên.
Không chỉ gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, sildenafil và tadalafil có thể tương tác bất lợi với nhiều loại thuốc nếu dùng cùng. Đối với những người đang dùng thuốc điều trị, nhất là bệnh mạn tính, không được tự ý dùng các thuốc có chứasildenafil và tadalafil. Cần cho bác sĩ biết về những loại thuốc mà bạn đang sử dụng trước khi kê thuốc có chứa sildenafil và tadalafil. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ phải thay đổi liều lượng hoặc khuyến cáo thêm các biện pháp phòng ngừa. Nếu người bệnh tự ý dùng thuốc sẽ sẽ gây ra nhiều bất lợi. Cụ thể:
Đối với thuốc kháng virut (amprenavir, atazanavir, boceprevir và các thuốc khác), thuốc tim mạch (nitroglycerine, nitroprusside, isosorbide dinitrate và một số thuốc khác)…, không nên dùng cùng sildenafil hay tadalafil sẽ gây tương tác nguy hiểm cho người dùng. Ví dụ khi dùng sildenafil, tadalafil cùng nitroglycerin có thể làm hạ huyết áp xuống mức nguy hiểm, đặc biệt đối với những người mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol cao hoặc bệnh tim… vì ở những người này thường phải dùng các nitrat để trị bệnh. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể quyết định không điều trị bằng sildenafil, tadalafil và đổi sang dùng các loại thuốc khác.
Các thuốc kháng sinh (clarithromycin, telithromycin và các loại thuốc khác), thuốc trị ung thư (ceritinib, dabrafenib, idelalisib và một số loại thuốc khác)… không nên sử dụng vì có thể gây ra nguy cơ tác dụng phụ, trừ khi được bác sĩ cân nhắc chỉ định việc điều trị này là tốt nhất cho người bệnh. Nếu cả hai loại thuốc được kê cùng, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc tần suất sử dụng một hoặc cả hai loại thuốc.
Chế tài xử phạt đối với hành vi kinh doanh thực phẩm có chất cấm
Xử phạt vi phạm hành chính
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Theo đó, việc xử phạt sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm tương ứng quy định tại các điều khoản. Mức phạt tiền có thể tới 500 – 700 triệu đồng (khoản 5 Điều 6 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, một số hành vi sẽ có các hình phạt bổ sung như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm.
Xử lý hình sự
Điều 317 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm.
Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;…”.
Theo đó, nếu hành vi sử dụng chất cấm có các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 thì cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ bị khởi tố hình sự.
Bảo Linh
https://vietq.vn/nguy-co-khi-lam-dung-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-chua-chat-cam-d204354.html