Là nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối (NLSK). Theo đó, khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn/năm.
Các loại sinh khối chính gồm: gỗ năng lượng, phế thải – phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Nguồn NLSK có thể sử dụng bằng cách đốt trực tiếp hoặc tạo thành viên nhiên liệu sinh khối.
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam thì một số dạng sinh khối có thể khai thác được ngay về mặt kỹ thuật cho sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt), đó là trấu ở đồng bằng sông Cửu Long, bã mía dư thừa ở các nhà máy đường, rác thải sinh hoạt ở các đô thị lớn, chất thải chăn nuôi từ các trang trại gia súc, hộ gia đình và chất thải hữu cơ từ chế biến nông – lâm – hải sản.
Rơm rạ là một trong những nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam – Ảnh minh họa.
Cũng theo Hiệp hội này trước đây một số nhà máy đường đã sử dụng bã mía để phát điện nhưng chỉ bán với giá hơn 800 đồng/kWh (tương đương 4 cent/kWh). Đến cuối năm 2013, Bộ Công Thương trình Chính phủ cơ chế hỗ trợ sản xuất điện từ năng lượng sinh khối. Theo đó, mức giá cao nhất mà ngành điện mua lại được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sinh khối lần lượt là 1.200 – 2.100 đồng/kWh. Mức giá như đề xuất góp phần tạo động lực cho việc phát triển nguồn điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối ở nước ta. Đồng thời, việc xây dựng các nhà máy điện đốt rác thải cũng đang được quan tâm với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các thành phố lớn, đô thị lớn.
Hiện nay, nước ta đã có một số dự án điện từ đốt rác đã đi vào hoạt động hoặc đang được triển khai xây dựng tại thủ đô Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Hà Nam…
Riêng ở TPHCM thì theo Sở Công Thương thì hiện nay trên địa bàn TP vẫn chưa có dự án nhà máy điện sinh khối nào triển khai. Xét về mặt kỹ thuật, TPHCM ít có tiềm năng sản xuất điện từ nguồn sinh khối.
Còn theo kết quả điều tra khảo sát và tính toán của Viện Năng lượng – Bộ Công Thương, tiềm năng sinh khối chưa được khai thác sử dụng tại TPHCM chủ yếu là nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ. Tuy nhiên các nguồn sinh khối này thường nằm rải rác ở nhiều địa phương trên toàn TP, quy mô tập trung không cao.
Dự báo trong tương lai tiềm năng nguồn sinh khối TPHCM vẫn duy trì ở mức như hiện tại. Do đó, việc thu gom, khai thác các nguồn phụ phẩm nông nghiệp cho mục đích sản xuất điện là rất khó khăn và không kinh tế.
Như vậy, trong các nguồn năng lượng tái tạo ở TPHCM thì điện mặt trời chiếm ưu thế lớn nhất, kế đến là điện từ chất thải rắn, còn điện gió và điện sinh khối thì tiềm năng phát triển không cao, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Theo Thiên Thanh/petrotimes.vn (26/9/2018)