Đã có không ít trường hợp người dùng bị rò rỉ dữ liệu và thông tin cá nhân khi đem các thiết bị điện tử như laptop, điện thoại,.. đi sửa chữa. Vậy người dùng cần làm gì để tránh gặp phải những rủi ro trên?
Các thiết bị điện tử, công nghệ dù có hiện đại tới đâu vẫn có nguy cơ gặp sự cố trong khi sử dụng. Những sự cố bất ngờ và không mong muốn này khiến người dùng bất đắc dĩ phải bỏ ra một khoản tiền để đem chúng đi sửa chữa. Tuy nhiên, nhiều người đã không may gặp phải tình trạng bị lộ thông tin cá nhân, phát tán hình ảnh nhạy cảm, đánh cắp dữ liệu khi mang máy tính, điện thoại đi sửa chữa, bảo hành.
Mới đây nhất, một khách hàng nữ tại Hà Nội đã lên tiếng tố cáo nhân viên của một hệ thống kinh doanh các thiết bị điện tử, công nghệ có tiếng đã có hành vi tự ý can thiệp vào tài khoản mạng xã hội cá nhân của mình để tìm kiếm nội dung riêng tư. Sự việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dùng trong việc chủ động bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân.
Người dùng cần chủ động bảo vệ các thông tin cá nhân trước khi đem các thiết bị đi sửa chữa để tránh gặp phải những sự cố không mong muốn. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia công nghệ, việc mang điện thoại, máy tính đi sửa chữa là một trong những nguyên nhân chính khiến người dùng phải đối mặt với nguy cơ bị xem trộm hoặc đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân. Khi đem các thiết bị đi sửa, bạn sẽ phải đọc hết tất cả các mật khẩu máy, mật khẩu ứng dụng để nhân viên có thể dễ dàng sửa chữa và tìm ra lỗi mà các thiết bị này đang gặp phải.
Điều này tưởng như là bình thường, nhưng hành động này đã gián tiếp giúp các đối tượng xấu có thể tấn công vào thiết bị của bạn, từ đó dễ dàng lấy đi dữ liệu và thông tin cá nhân cho những mục đích không lành mạnh. Vậy làm thế nào để người dùng có thể chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân trước khi mang thiết bị của mình tới các cơ sở sửa chữa?
Chủ động sao lưu dữ liệu
Theo nhiều chuyên gia công nghệ, việc đầu tiên người dùng cần làm trước khi trao thiết bị vào tay người khác để sửa chữa đó là sao lưu toàn bộ các thông tin cần thiết, dữ liệu quan trọng hiện có trên thiết bị. Bởi trong quá trình sửa chữa, nếu gặp phải lỗi quá nặng, thiết bị có thể rơi vào tình trạng hư hỏng hoàn toàn, từ đó buộc nhân viên kĩ thuật phải cài đặt lại hệ thống, khiến dữ liệu trong máy bị mất.
Ngoài ra, sau khi sao lưu, người dùng có thể xóa toàn bộ dữ liệu trên máy để đảm bảo an toàn cho các thông tin quan trọng. Cách này sẽ giúp thông tin và dữ liệu cá nhân của bạn tránh bị kẻ xấu “dòm ngó”. Người dùng có thể sao lưu dữ liệu sang các thiết bị khác hoặc sử dụng các ứng dụng lưu trữ đám mây như OneDrive, GoogleDrive,… để lưu trữ các dữ liệu quan trọng của mình.
Chủ động sao lưu dữ liệu sẽ giúp người dùng lưu giữ được các thông tin quan trọng. Ảnh minh họa
Thiết lập các lớp bảo vệ
Đối với điện thoại, hãy đặt mật khẩu cho các ứng dụng như Facebook, Instagram, Gmail,… hay thư viện ảnh nơi chứa nhiều các hình ảnh mang tính riêng tư, cá nhân. Nếu những hình ảnh riêng tư bị phát tán ra ngoài, người dùng có thể sẽ gặp phải nhiều rắc rối không mong muốn. Điều này cũng nên được thực hiện đối với những người sử dụng laptop. Người dùng máy tính xách tay cũng nên đặt mật khẩu cho các thư mục quan trọng để tránh bị truy cập trái phép. Việc đặt mật khẩu cho các ứng dụng, thư mục quan trọng trên điện thoại và máy tính xách tay là cần thiết để tránh việc các kĩ thuật viên có thể mở và truy cập được vào các nội dung, thư mục riêng tư của người dùng.
Theo VnExpress, để khóa ứng dụng trên iPhone, người dùng có thể chọn phần khóa ứng dụng trong menu Trợ năng, hoặc tải phần mềm hỗ trợ như Lockdown Pro, AppLocker hoặc BioProtect. Người dùng Android cũng có thể thực hiện chức năng khóa ứng dụng bằng cách cài đặt các phần mềm hỗ trợ như AppLock, Privacy Knight Applock, Finger Security.
Đối với máy tính, người dùng có thể khóa ứng dụng bằng cách cài đặt các phần mềm như My Lockbox, Progam Blocker hay Program Protector đối với hệ điều hành Windows. Người dùng Mac có thể cài đặt phần mềm Applocker giúp bảo vệ các ứng dụng trong máy không để cho người lạ truy cập vào.
Đặt mật khẩu bảo vệ giúp các ứng dụng, thư mục quan trọng không bị người khác xâm nhập trái phép. Ảnh mình họa
Đăng xuất khỏi các tài khoản trực tuyến
Khi mang thiết bị đi sửa, người dùng cần lưu ý đăng xuất tài khoản khỏi các ứng dụng, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Gmail, tài khoản ngân hàng, tài khoản iCloud (đối với iPhone),… Ngoài ra, hầu hết các ứng dụng và trình duyệt web hiện nay đều có tính năng lưu mật khẩu. Do đó trước khi đem thiết bị đi sửa, người dùng cũng cần xóa các mật khẩu đã lưu trên các nền tảng này.
Việc chưa đăng xuất khỏi ứng dụng vô tình sẽ khiến người dùng gặp phải nguy hiểm khi các tài khoản cá nhân có thể bị người khác chiếm đoạt, dùng tài khoản cá nhân của người khác để lừa đảo hoặc thậm chí phát tán các hình ảnh nhạy cảm.
Để cẩn thận hơn, người dùng cũng nên xóa các tin nhắn trên điện thoại. Việc này sẽ giúp người dùng tránh được nguy cơ nội dung từ các cuộc trò chuyện cá nhân bị phát tán và rò rỉ ra ngoài. Trước khi xóa tin nhắn, người dùng cũng nên sao lưu các nội dung này để có thể dễ dàng khôi phục sau khi nhận lại máy. Ngoài ra cũng nên xóa lịch sử duyệt web, các file, hình ảnh đã download từ Internet để đảm bảo tính riêng tư tuyệt đối.
Chụp lại tình trạng thiết bị trước khi đem đi sửa chữa
Trước khi đưa máy đi sửa chữa, người dùng cần chụp lại các chi tiết bị hư hỏng, tình trạng của phần mềm đang bị lỗi để tránh các trường hợp phát sinh có thể xảy ra trong quá trình sửa chữa. Viền máy, màn hình, camera, các cổng cắm sạc,.. là những chi tiết dễ quan sát và dễ gặp phải hư hỏng, trầy xước trong khi sửa chữa. Do đó hãy chụp lại tình trạng của máy trước khi đưa cho kĩ thuật viên để có thể khiếu nại và đền bù nếu có phát sinh hiện tượng hư hỏng không mong muốn khi nhận máy.
Lựa chọn cửa hàng sửa chữa uy tín
Nếu thiết bị vẫn còn trong thời gian bảo hành, người dùng hoàn toàn có thể đem thiết bị đến cửa hàng mình đã mua để được hưởng chế độ bảo hành. Ngược lại, nếu thiết bị không may bị hỏng khi đã hết thời hạn bảo hành, người dùng nên tìm hiểu, lựa chọn các trung tâm bảo hành, cửa hàng có uy tín để đem thiết bị tới sửa chữa. Các cửa hàng uy tín sẽ có mức giá sửa chữa hợp lí, linh kiện được thay sẽ đảm bảo chính hãng, tránh được các tai nạn cháy, nổ khi sử dụng các linh kiện không rõ nguồn gốc.
Để chắc chắn nhất, người dùng nên yêu cầu được ngồi chờ và trực tiếp xem các nhân viên kĩ thuật sửa chữa. Đây là cách tốt nhất để biết chắc rằng dữ liệu của mình có được an toàn hay không nếu chưa tiến hành sao lưu hay cài các lớp bảo mật trước đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào người dùng cũng có thể trực tiếp ngồi chờ và kiểm tra việc sửa chữa của kĩ thuật viên. Nhiều trường hợp thời gian sửa chữa lâu hoặc thiết bị hư hỏng nặng cần phải gửi tới trung tâm ủy quyền để sửa chữa, do đó người dùng cần chủ động trong việc sao lưu dữ liệu, đăng xuất khỏi các tài khoản, đặt mật khẩu cho ứng dụng, tốt hơn hết là nên xóa hết dữ liệu trong thiết bị trước khi đem tới cơ sở sửa chữa.
Người dùng cần lựa chọn các cơ sở sửa chữa uy tín để đảm bảo an toàn cho thiết bị và bảo vệ quyền lợi của bản thân. Ảnh minh họa
Để đảm bảo an toàn và quyền lợi của bản thân, người dùng có thể yêu cầu bên sửa chữa có cam kết thống nhất với nhau về hiện trạng của thiết bị cũng như những đền bù thỏa đáng nếu có vấn đề xảy ra trong quá trình sửa chữa và phải được xác nhận, đồng ý từ cả hai bên. Ngoài ra, khi mang máy đến nơi sửa chữa, người dùng cần yêu cầu nhân viên kiểm tra kỹ tình trạng của máy để xác định những lỗi mà thiết bị gặp phải. Với các dòng máy cao cấp, người dùng nên yêu cầu nhân viên mở vỏ máy để tự niêm phong các linh kiện quan trọng như board, chip, pin,… đồng thời ký tên lên các linh kiện không cần thay thế để phòng trường hợp bị tráo, đổi với những linh kiện kém chất lượng.
Sau khi nhận lại máy, người dùng cần phải kiểm tra lại các chức năng, ứng dụng đã bị lỗi để đảm bảo chắc chắn thiết bị đã có thể hoạt động tốt. Người dùng cũng cần tìm hiểu và cài đặt những ứng dụng giúp kiểm tra lịch sử truy cập để chắc chắn rằng điện thoại và máy tính của mình chưa bị người khác xâm phạm trái phép.
Bộ Công an mới đây đã hoàn thành hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công an đã dành riêng Mục 2 với 17 điều để quy định xử phạt vi phạm trong bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, Điều 9 Dự thảo quy định, phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin có nội dung thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác,… Phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng được áp dụng đối với một trong những hành vi làm ra và phát tán: Thông tin xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 60 – 80 triệu đồng được áp dụng đối với 1 trong các hành vi: Dữ liệu cá nhân được xử lý trái quy định của pháp luật; chủ thể dữ liệu không được biết và không được nhận thông báo về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình,… Ngoài ra, mức phạt từ 60 – 80 triệu đồng cũng được đề xuất áp dụng với một trong các hành vi vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em. Ngoài ra, hành vi để lộ, mất dữ liệu cá nhân sau khi đã chuyển qua biên giới gây hậu quả tới 10.000 chủ thể dữ liệu là công dân Việt Nam cũng bị áp dụng mức phạt từ 80 – 100 triệu đồng.
Ngọc Linh (t/h)
https://vietq.vn/nguoi-dung-can-lam-gi-truoc-nguy-co-bi-danh-cap-du-lieu-ca-nhan-khi-mang-thiet-bi-di-sua-chua-d191737.html