Theo bác sĩ, những bệnh nhân đang xạ trị, hóa trị ung thư nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng thuốc nhuộm tóc vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho da đầu.
BS.CKII Nguyễn Trần Anh Thư, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, bệnh ung thư có rất nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nội tiết, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch… Trong đó, hóa trị là liệu pháp điều trị toàn thân, sử dụng các thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư.
Trong quá trình điều trị bằng thuốc, bệnh nhân ung thư có thể gặp một số tác dụng phụ như cảm giác chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, tóc gãy, rụng tóc, thay đổi màu tóc. Mức độ hư tổn của tóc tùy thuộc vào loại thuốc điều trị. Nhuộm tóc giúp tôn lên vẻ đẹp hình thể ngoài, từ đó tác động tích cực đến tâm lý và tạo sự tự tin cho người bệnh, nhất là trong các bữa tiệc đông người.
Người bệnh đang điều trị ung thư nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc nhuộm tóc. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Anh Thư, những bệnh nhân đang điều trị xạ trị hoặc thuốc không phải hóa trị (liệu pháp nội tiết, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch) nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi nhuộm tóc.
Riêng với người bệnh đang hóa trị bác sĩ khuyến cáo không nên nhuộm tóc, uốn tóc trong thời gian điều trị. Tóc của bệnh nhân ung thư đang hóa trị thường mỏng manh, yếu hơn bình thường. Nếu sử dụng các hóa chất trong thời gian này dễ dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng hơn.
Các sản phẩm nhuộm tóc thường chứa hóa chất có thể ảnh hưởng đến da đầu, gây kích ứng, khô và ngứa. Tình trạng đau rát da đầu khi sử dụng thuốc nhuộm tóc cũng khiến người bệnh khó chịu.
Hiệp hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society) cũng khuyến cáo bệnh nhân ung thư không nên uốn, nhuộm hoặc sử dụng các hóa chất làm tóc trong giai đoạn đang điều trị ung thư, nhất là khi đang hóa trị. Thời gian tốt nhất để làm tóc là ít nhất 6 tháng sau khi kết thúc liệu trình hóa trị, vì đây là thời gian ngắn nhất cần thiết cho tóc mới mọc và chắc khỏe.
Trường hợp phương pháp điều trị ung thư không gây rụng tóc và không có bất kỳ vấn đề gì về da đầu, người bệnh ung thư có thể nhuộm tóc nhưng cũng nên tham vấn bác sĩ điều trị. Người bệnh nên tìm hiểu các loại thuốc nhuộm tóc có nguồn gốc thảo dược, liều lượng hóa chất thấp phù hợp hoặc các sản phẩm chuyên dụng cho người đang điều trị ung thư.
Thành phần thường gây lo ngại về kích ứng da và trong một số trường hợp gây ra phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ, có tên là paraphenylenediamine, hay còn được gọi là PPD. PPD có thể được tìm thấy trong một số chất tạo màu tóc, lông mày và lông mi. Người bệnh cũng có thể dễ dàng tránh được khả năng xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng bằng cách thực hiện kiểm tra độ nhạy/dị ứng 48 giờ trước khi sử dụng thuốc nhuộm hoặc màu nhuộm tóc, đồng thời làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Lưu ý, thời gian nhuộm nên cách nhau khoảng 6 tháng, tránh để thuốc nhuộm tiếp xúc vào chân tóc gây dị ứng da. Người bệnh nên trao đổi với người nhuộm để kiểm tra phản ứng của da đầu với thuốc nhuộm.
Kiểm tra độ mẫn cảm là cách tốt nhất để thử và kiểm tra xem có bị dị ứng với sản phẩm hay không. Mặc dù hướng dẫn này tập trung vào việc kiểm tra độ mẫn cảm với chất tạo màu tóc, nhưng có thể sử dụng hướng dẫn này để thực hiện kiểm tra dị ứng cho hầu hết mọi sản phẩm.
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/nguoi-benh-dang-xa-tri-hoa-tri-ung-thu-nen-can-trong-khi-dung-thuoc-nhuom-toc-d220463.html