Mới đây các nhà khoa học tại Bệnh viện Trung ương Đại học Trùng Khánh và Đại học Y khoa Phúc Kiến, Phúc Châu (Trung Quốc) đã chỉ ra vitamin B3 là loại vitamin cực tốt giúp hỗ trợ kéo dài tuổi thọ.
Nghiên cứu mới này được công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports. Theo các nhà nghiên cứu, Vitamin B3, còn được gọi là niacin, là một vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với nhiều quá trình sinh lý khác nhau. Thiếu hụt chất này có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bệnh pellagra (viêm da), tiêu chảy, mất trí nhớ và tử vong.
Nhằm điều tra ảnh hưởng của lượng vitamin B3 trong chế độ ăn uống và tỷ lệ tử vong sớm do bệnh tật và bệnh tim mạch, các nhà khoa học tại Bệnh viện Trung ương Đại học Trùng Khánh và Đại học Y khoa Phúc Kiến, Phúc Châu (Trung quốc) đã tiến hành nghiên cứu trên 26.746 người tham gia, không mắc bệnh tim mạch hoặc ung thư từ trước. Đó là những người đã tham gia Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia của Mỹ (NHANES) 2003 – 2018, được theo dõi trong hơn 9 năm. Những người tham gia được yêu cầu báo cáo về lượng vitamin B3 trong chế độ ăn uống.
Trong thời gian nghiên cứu có 3.551 ca tử vong sớm do mọi nguyên nhân, trong đó có 1.096 ca tử vong do các biến cố tim mạch. Kết quả đã phát hiện lượng vitamin B3 trong chế độ ăn uống càng cao càng giúp giảm nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân và do tim mạch, giúp kéo dài tuổi thọ.
Cụ thể, những người có mức B3 cao nhất trong chế độ ăn uống có nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân và do tim mạch thấp hơn đáng kể so với những người có lượng B3 thấp nhất.Kết quả cũng cho thấy tăng lượng vitamin B3 trong chế độ ăn uống thì nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân và do tim mạch giảm xuống. Tuy nhiên, quá ngưỡng 22,45 mg B3 mỗi ngày, thì lợi ích không tăng nữa, theo News Medical. Đặc biệt, tác dụng giảm nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân của vitamin B3 rõ rệt hơn đáng kể ở những người không bị tiểu đường.
Bổ sung vitamin B3 giúp hỗ trợ kéo dài tuổi thọ. Ảnh minh họa
Thông tin thêm về tác dụng của vitamin B3, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, từ những năm 50 của thế kỷ trước, vitamin B3 đã được sử dụng như loại thuốc để điều trị cho các trường hợp cholesterol trong máu cao. Mặc dù có khả năng giảm tới 5 – 20% cholesterol xấu nhưng hoạt chất này có thể gây tác dụng phụ nếu dùng lượng lớn để điều trị, vì thế thường sử dụng như thuốc hỗ trợ.
Ngoài tác dụng giảm cholesterol xấu, vitamin B3 còn giúp tăng mức cholesterol tốt đạt tới 15 – 35%. Với chất béo trung tính triglyceride, Niacin tác dụng đến 1 loại enzyme liên quan đến tổng hợp chất béo này, vì thế làm giảm triglyceride trong máu. Như vậy, vitamin B3 có tác dụng rất tốt trong điều hòa cholesterol, giảm chất béo trong máu, giúp ngăn ngừa bệnh lý tim mạch và huyết áp liên quan.
Sử dụng vitamin B3 còn có tác dụng điều hòa các loại cholesterol theo hướng tốt hơn nên hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh tim mạch. Ngoài ra, vi chất này còn có khả năng giảm viêm, giảm oxy hóa liên quan đến tình trạng xơ cứng, xơ vữa động mạch.
Thực tế đã có nghiên cứu chứng minh, bổ sung vitamin B3 đơn lẻ hoặc kết hợp với statin giúp giảm nguy cơ mắc vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch. Tiểu đường type 1 là dạng bệnh tự miễn, khi hệ miễn dịch cơ thể tấn công tế bào tạo insulin dẫn tới thiếu hụt dưỡng chất này, đường không được chuyển hóa tốt tích tụ trong máu. Người mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể dùng vitamin B3 bổ sung để hỗ trợ điều trị bệnh, ngăn ngừa biến chứng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Với bệnh tiểu đường type 2, vai trò của vitamin B3 phức tạp hơn nhưng nó cũng có khả năng giảm mức cholesterol trong máu, ngăn ngừa biến chứng tim mạch.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20-1:2024/BYT đối với giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Quy chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư số 12/2024/TT-BYT ngày 18 tháng 7 năm 2024 nhằm đưa ra những quy định giới hạn tối đa các chất ô nhiễm (kim loại nặng và vi sinh vật); lấy mẫu và phương pháp thử; yêu cầu quản lý; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với sản phẩm rượu bổ được công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo đó giới hạn tối đa kim loại nặng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quy định.
Việc ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hoá; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố sản phẩm dựa trên kết quả kiểm nghiệm của phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025 theo quy định.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/nghien-cuu-moi-phat-hien-bo-sung-vitamin-b3-giup-ho-tro-keo-dai-tuoi-tho-d227726.html