Các nhà khoa học từ Đại học Vienna, Đại học Y khoa Vienna ở Áo và Đại học Edith Cowan (Úc) đã chứng tỏ ăn tỏi sống rất tốt trong việc hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tật.
Ăn tỏi sống giúp hỗ trợ trong việc ngăn ngừa nhiều bệnh tật
Đối với người Việt Nam, từ lâu tỏi đã trở thành một loại gia vị không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Bên cạnh việc nấu chín, ăn tỏi sống còn mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể. Thực tế đã có không ít những nghiên cứu chứng tỏ tác dụng của tỏi sống đối với việc hỗ trợ bệnh tật.
Cụ thể, theo nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí nghiên cứu Frontiers in Nutrition, đã làm sáng tỏ thêm sức mạnh tiềm ẩn của việc tiêu thụ tỏi sống đối với sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Tỏi đã được sử dụng trong nhiều năm như một loại gia vị và là vị thuốc dân gian ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Loại gia vị này đã được chứng minh là giàu hợp chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là lưu huỳnh, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu tiêu thụ thường xuyên.
Ăn tỏi sống rất tốt cho sức khỏe nhưng nên ăn đúng cách để tránh tác dụng phụ. Ảnh minh họa
Các nhà khoa học từ Đại học Vienna, Đại học Y khoa Vienna ở Áo và Đại học Edith Cowan (Úc) đã tiến hành phân tích tổng cộng 22 nghiên cứu về tác dụng của tỏi đối với sức khỏe, bao gồm hàng chục ngàn người tham gia.
Kết quả đã phát hiện tiêu thụ tỏi sống hằng ngày có thể cải thiện đáng kể các dấu hiệu của bệnh tim mạch. Giảm mức mỡ máu, gồm cholesterol toàn phần, chất béo trung tính triglyceride, cải thiện mức cholesterol tốt. Cải thiện mức huyết áp – cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và cải thiện độ dày động mạch.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhờ khả năng cải thiện cân bằng insulin. Hơn nữa, những cải thiện này dẫn đến giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, bao gồm ung thư.
Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, theo một số nghiên cứu đã chứng minh trong 100g tỏi có chứa 6,36g protein, 33g carbohydrates, 150g calo và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho,…Thành phần công hiệu chính trong tỏi là hợp chất hữu cơ sulfur và glycosides. Ngoài ra, trong tỏi còn có hàm lượng cao germanium và selen. Đặc biệt, hàm lượng germanium trong tỏi cao hơn so với các dược liệu như nhân sâm, trà xanh, trà đỏ,…
Tỏi có công dụng đáng kể trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư, nhất là ung thư đường ruột. Cụ thể, tỏi ức chế quá trình nitrat biến thành nitrite trong dịch vị, ngăn cản sự hình thành nitrosamine, giúp phòng ngừa ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, tỏi còn có thể ngăn cản sự xâm hại của độc tố, kim loại nặng, chất gây ung thư đối với cơ thể. Đồng thời, thành phần germanium và selen trong tỏi giúp cơ thể chống đột biến tế bào, ngăn ngừa sự hình thành của các gốc tự do, hỗ trợ phòng ngừa ung thư hiệu quả.
Cách ăn tỏi đúng cách để đạt hiệu quả
Tuy nhiên do tỏi có một số tác dụng phụ nên theo PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyến cáo, lượng tỏi sống tối ưu nên tiêu thụ mỗi ngày là khoảng 2 đến 4 tép để có được lượng tỏi sống tối ưu nhất lợi ích mà không có tác dụng phụ không mong muốn như mùi cơ thể hoặc ợ nóng.
Để dễ ăn hơn, hãy nghiền tỏi trộn với một thìa mật ong hoặc dầu ô liu hoặc bổ sung tỏi hàng ngày bằng cách uống dịch chiết xuất tỏi ở dạng lỏng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm khả năng mắc bệnh và tăng tốc độ phục hồi bệnh, tăng cường sức đề kháng khi dùng hàng ngày. Tuy nhiên ăn quá nhiều tỏi có thể gây hôi miệng và huyết áp thấp.
Ngoài ra, nếu việc tiêu thụ tỏi sống làm dạ dày khó chịu thì nghiên cứu cũng cho thấy việc ăn tỏi ở các dạng khác bao gồm tỏi allicin, chiết xuất tỏi, tép tỏi, viên nang tỏi và các chất bổ sung cũng có thể mang lại một số lợi ích tương tự.
Nếu đưa chất bổ sung từ tỏi vào thói quen hàng ngày nhất định phải hỏi ý kiến bác sĩ đặc biệt nếu dùng thuốc làm loãng máu. Điều này là do chất bổ sung tỏi có thể làm tăng tác dụng của thuốc làm loãng máu, khiến máu khó đông hơn. Hơn nữa, ăn quá nhiều tỏi cùng một lúc có thể gây ra các tác dụng phụ tiêu cực như đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau cơ, chóng mặt hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp là phản ứng dị ứng.
Tỏi cũng có thể được cho là gây ra một số vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa khá khó chịu. Tỏi và hành tây có hàm lượng carbohydrate cao gây khó tiêu và hấp thụ chậm. Những người nhạy cảm với thực phẩm có hàm lượng này nên tránh ăn nhiều.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9678:2013- ISO 5567:1982 về tỏi khô- xác định các các hợp chất hưu huỳnh hữu cơ dễ bay hơi
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn này nhằm đưa ra phương pháp xác định các hợp chất hưu huỳnh dễ bay hơi trong tỏi khô. Về nguyên tắc sau khi ngâm chiết phần mẫu thử trong nước, thêm etanol rồi chưng cất các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ dễ bay hơi và chuẩn độ dịch chưng cất trong môi trường axit nitric bằng phương pháp chuẩn độ bạc.
Chỉ sử dụng các thuốc thử đạt chất lượng phân tích. Nước sử dụng phải là nước cất hoặc nước có độ tinh khiết tương đương. Độ lặp lại chênh lệch giữa các kết quả của hai lần xác định tiến hành đồng thời hoặc liên tiếp, do cùng một người phân tích không được vượt quá 5% giá trị trung bình.
Trong quá trình phân tích, tránh mọi tiếp xúc với đồng hoặc cao su, đặc biệt trong thiết bị chưng cất. Các thiết bị cần phải có các khớp nối thủy tinh mài. Sử dụng các thiết bị, dụng cụ của phòng thử nghiệm thông thường. Tiến hành bằng cách đồng hóa mẫu phòng thử nghiệm và nghiền mẫu đến độ mịn theo yêu cầu, nếu cần.
Việc báo cáo thử nghiệm phải chỉ ra phương pháp thử đã sử dụng và kết quả thu được. Báo cáo thử nghiệm cũng phải đề cập mọi chi tiết thao tác không quy định trong tiêu chuẩn này hoặc tùy chọn cũng như sự cố bất kỳ có thể ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/nghien-cuu-moi-lam-sang-to-loi-ich-cua-toi-song-trong-viec-ho-tro-ngan-ngua-benh-tat-d225492.html