Các loại rau xanh, đặc biệt là rau xà lách, bắp cải, được cho là nguyên nhân lớn nhất gây nên những đợt bùng phát nhiễm khuẩn E. coli.

Các vụ bùng phát nhiễm khuẩn do thực phẩm thường xuyên xảy ra, trong đó những loại rau xanh là thủ phạm phổ biến nhất, với sự liên quan đến 40 đợt bùng phát chủng vi khuẩn E. coli nghiêm trọng từ năm 2009 đến 2018, theo một báo cáo được công bố trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Trong số đó, xà lách romaine là một loại rau “tai tiếng” nhất, đặc biệt là năm 2018 khi nó là nguyên nhân của 2 đợt bùng phát lớn vi khuẩn E. coli. Theo báo cáo, 54% các đợt nhiễm khuẩn do rau xanh có liên quan đến xà lách romaine, đứng sau là rau chân vịt và xà lách búp Mỹ với tỷ lệ 17% và cuối cùng là bắp cải, lá xanh và cải xoăn mỗi loại là 4%.

Không có nguyên nhân rõ ràng tại sao xà lách romaine lại thường xuyên là nguyên nhân của các đợt bùng phát nhiễm khuẩn. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng xà lách búp Mỹ được thu hoạch và bán nhiều hơn xà lách romaine trong những năm 2009-2017.


Các nhà nghiên cứu cho rằng hình dáng và quá trình trồng trọt là nguyên nhân khiến xà lách romaine dễ bị nhiễm khuẩn hơn các loại rau khác.

Các nhà nghiên cứu đã viết: “Vào giai đoạn cuối của nghiên cứu, romaine đã trở nên phổ biến hơn, mọi người mua nhiều romaine hơn là xà lách búp. Nhưng điều này không giải thích được tại sao romaine lại là nguyên nhân gây ra nhiều đợt bùng phát như vậy”.

Họ đưa ra giả thuyết là do hình dạng của romaine, có thể là điểm xâm nhập của các mầm bệnh vì chúng cao hơn với những chiếc lá chụm lại, mở ra ở đầu, trong khi đó xà lách búp Mỹ bé hơn với những chiếc lá nhỏ gọn.

Những đợt bùng phát khác có liên quan đến rau xanh hỗn hợp thứ nhất là xà lách mỡ, xà lách búp Mỹ và romaine, cùng hỗn hợp rau thứ hai gồm bắp cải đỏ, rau chân vịt và một số loại rau mùa xuân.

Báo cáo tập trung vào sự bùng phát của một loại vi khuẩn E. coli được gọi là E. coli sinh độc tố Shiga, hoặc STEC. Đây là một loại độc tố do vi khuẩn tạo ra gây bệnh cho con người với các triệu chứng có thể bao gồm tiêu chảy và nôn mửa. Hầu hết mọi người tự phục hồi trong vòng 5 đến 7 ngày, tuy nhiên một số trường hợp nguy hiểm vẫn cần được chăm sóc y tế.

Theo báo cáo, trong thập kỷ bùng phát nhiễm khuẩn do thực phẩm xảy ra ở Hoa Kỳ và Canada đã gây ra 1212 ca bệnh, 420 ca nhập viện và 8 ca tử vong. Tổng cộng có 77 trường hợp mắc hội chứng urê huyết tán huyết, một vấn đề về thận có thể sinh ra do nhiễm khuẩn và cần phải nhập viện.

Vi khuẩn E. coli sinh ra độc tố Shiga có liên quan đến khoảng 265.000 ca bệnh mỗi năm ở Hoa Kỳ. Một loại STEC đặc biệt là STEC O157 có xu hướng khiến tình trạng bệnh nặng hơn và đã chịu trách nhiệm về 32 vụ bùng phát được mô tả trong báo cáo. Nguồn phổ biến nhất của bệnh nhiễm trùng này là thịt bò xay và rau xanh.

Mặc dù rau xanh có lá được trồng quanh năm ở Hoa Kỳ, nhưng nhiều đợt bùng phát bắt đầu vào tháng 10 và tháng 4 hơn bất kỳ tháng nào trong năm. Các tác giả nghiên cứu viết không rõ lý do tại sao tính theo mùa trong các đợt bùng phát lại xảy ra.

Benjamin Chapman, giáo sư và chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Đại học Bang North Carolina, cho biết có một số lý do tại sao rau xanh đặc biệt dễ bị nhiễm khuẩn E.coli, bắt đầu từ cách trồng trọt: “Phần lớn quá trình sản xuất rau xà lách là ở bên ngoài và cần rất nhiều nước.

Tại Hoa Kỳ, nó chủ yếu được trồng ở những nơi có động vật, cũng là một nguồn vi khuẩn. Ô nhiễm E. coli có thể đến từ các nguồn như nước tưới, động vật và quá trình xử lý. Chúng tôi biết từ những đợt bùng phát trước đó rằng nhiễm khuẩn chéo có thể xẩy ra dù chỉ với tỷ lệ vi khuẩn nhỏ”.

Chapman cho biết một khi vi khuẩn đã xâm nhập vào nhà máy thì nó rất khó loại bỏ. Sản phẩm được rửa 3 lần trong các nhà máy chế biến, và người tiêu dùng có thể rửa sạch 90-99% trước khi bắt đầu sử dụng, nhưng điều đó có thể không đủ tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn. Và bởi vì rau xà lách hầu như luôn được ăn sống hoặc nấu chưa chín, nên bất kỳ vi khuẩn nào cũng có thể đi trực tiếp vào cơ thể.

Hương Giang (theo: NBC News)
http://vietq.vn/rau-xanh-la-nguyen-nhan-lon-nhat-gay-nhiem-khuan-e-coli-d178852.html