Kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7 hàng năm là dịp để nhân loại tự hào về những thành tựu trong lĩnh vực dân số, chăm sóc sức khoẻ, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng dân số và tuổi thọ của người dân, góp phần phát triển đất nước.

Dân số thế giới…

Trang Danso.org thống kê: Vào buổi bình minh của nông nghiệp, khoảng 8000 năm trước công nguyên (TCN), dân số thế giới chỉ có khoảng 5 triệu người.


Sự biến động của dân số có tác động tích cực hay tiêu cực và sự phát triển bền vững hay không bền vững của môi trường?

Trong khoảng thời gian 8000 năm cho đến đầu thế kỷ thứ 3 sau công nguyên (SCN), nó đã tăng lên 200 triệu người (một số ước tính là 300 triệu hoặc thậm chí 600 triệu người) với tốc độ tăng trưởng dưới 0,05% mỗi năm.

Một sự thay đổi to lớn đã xảy ra với cuộc cách mạng công nghiệp: nó đã đưa toàn bộ lịch sử nhân loại sang một trang mới, đến khoảng năm 1804 dân số thế giới đã đạt mốc 1 tỉ người.

Con số 2 tỷ người đạt được chỉ trong vỏn vẹn 123 năm (1927), con số 3 tỷ chỉ trong vòng 32 năm (cuối 1959), 4 tỷ người trong 15 năm (1974), và 5 tỷ người chỉ trong 13 năm (1987).

Đáng chú ý, dân số trên thế giới đã tăng gấp đôi (tăng 100%) trong 40 năm từ năm 1959 (3 tỷ) đến năm 1999 (6 tỷ). Theo thống kê của Liên hợp quốc, dân số thế giới đến ngày 22/3/2017 là 7,49 tỷ người.

Bình quân cứ mỗi giây đồng hồ trên toàn thế giới sẽ có 4,3 đứa trẻ ra đời và 1,8 người qua đời trong Tháng Giêng của năm 2018.

Ước tính dân số thế giới dự kiến đạt 8 tỷ người vào năm 2023. Dân số thế giới dự báo sẽ đạt con số 8,6 tỷ người vào năm 2030, sau đó lên mức 9,8 tỷ người năm 2050 và 11,2 tỷ người vào năm 2100.

… và sức ép lên môi trường

Theo ông Nguyễn Xuân Luận – Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ Môi trường, dân số và môi trường là hai yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự phát triển của yếu tố này có mối liên hệ đến sự phát triển của yếu tố kia: Sự biến động của dân số có tác động tích cực hay tiêu cực và sự phát triển bền vững hay không bền vững của môi trường, tài nguyên cũng có tác động ngược lại ở xã hội loài người bởi cả hai mặt. Đặc biệt trong xu thế phát triển kinh tế xã hội ngày nay thì mối quan hệ trên càng được thể hiện rõ nét.

Các tác động tiêu cực của tình trạng gia tăng dân số hiện nay trên thế giới biểu hiện ở các khía cạnh sau:

Sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường trái đất do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhu cầu nhà ở, sản xuất lương thực, thực phẩm, sản xuất công nghiệp, v.v…

Tạo ra các nguồn thải tập trung vượt quá khả năng tự phân huỷ của môi trường tự nhiên trong các khu vực đô thị, khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Sự chênh lệch về tốc độ phát triển dân số giữa các nước công nghiệp hoá và các nước đang phát triển gia tăng, dẫn đến sự nghèo đói ở các nước đang phát triển và sự tiêu phí dư thừa ở các nước công nghiệp hoá. Sự chênh lệch ngày càng tăng giữa đô thị và nông thôn, giữa các nước phát triển công nghiệp và các nước kém phát triển dẫn đến sự di dân ở mọi hình thức.

Sự gia tăng dân số đô thị và sự hình thành các thành phố lớn – siêu đô thị làm cho môi trường khu vực đô thị có nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng. Nguồn cung cấp nước sạch, nhà ở, cây xanh không đáp ứng kịp cho sự phát triển dân cư. Ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước tăng lên.

Chính các thành phố đã sản sinh ra 75% lượng CO2 trên toàn cầu vì sử dụng nhiên liệu hoá thạch và tiêu thụ 3/4 lượng gỗ công nghiệp thế giới. Tốc độ đô thị hoá nhanh, những vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí và nước đang trở nên tồi tệ ở những nơi Chính phủ không đủ năng lực xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng về giao thông, nước và xử lý rác thải.

Trên toàn cầu, tuổi thọ trung bình tăng từ 65 tuổi đối với nam và 69 tuổi đối với nữ trong giai đoạn 2000-2005 lên 69 tuổi đối với nam và 73 tuổi đối với nữ trong giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, còn tồn tại sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (11/7/2019)