Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của xã hội, ngành Dệt may (NDM) gia tăng nhanh chóng sản lượng sản xuất. Đây là ngành thu hút một lượng lớn lao động, khoảng hơn 2,5 triệu, với hơn 5.000 doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, sự phát triển của NDM cũng kéo theo các hệ lụy về ô nhiễm môi trường.
Để nâng cao năng lực sản xuất và giảm thiểu chất thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, NDM đã áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH), nhằm thay đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện môi trường.
NDM Việt Nam hiện đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải nhuộm có dư lượng hóa chất lớn. Theo nghiên cứu, trong nước thải dệt nhuộm có cả những chất dễ phân giải vi sinh như bột sắn dùng hồ sợi dọc và những chất khó phân giải vi sinh như polyvinyl axetat, thuốc nhuộm phân tán, thuốc nhuộm hoạt tính và các chất dùng tẩy trắng vải.
Với các loại vải càng sử dụng nhiều xơ sợi tổng hợp như polyester thì càng dùng nhiều thuốc nhuộm và các chất phụ trợ khó phân giải vi sinh, dẫn tới lượng chất gây ô nhiễm môi trường trong nước thải càng cao. Để đảm bảo lợi ích kinh tế và môi trường, việc áp dụng SXSH đã giúp các DN dệt may tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải, đồng thời, giảm chi phí đầu vào và chi phí xử lý môi trường, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Trên thực tế, nhiều DN dệt may đã giảm từ 20 – 30% tải lượng ô nhiễm mà không tốn khoản chi phí đầu tư nào do áp dụng công nghệ xử lý khí thải thông qua bộ phận thu khí lò hơi; sử dụng định mức tiêu hao hợp lý nguồn nguyên liệu dệt nhuộm.
Thực hiện SXSH giúp các DN dệt may tiết kiệm năng lượng và giảm chất thải.
Trong đó, Tổng Công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) với hoạt động sản xuất sợi – dệt may, nên vấn đề môi trường chủ yếu là khí thải, bụi và tiếng ồn khi kéo sợi. Để giảm thiểu ô nhiễm, từ năm 2014, Hanosimex đã đầu tư 500 triệu đồng lắp đặt các biến tần cho quạt thông gió, sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng.
Nhờ đó, Hanosimex đã tiết kiệm trên 4 triệu kWh điện/năm, giảm 4.000 tấn CO2/năm. Tại các phân xưởng dệt, Hanosimex đầu tư hệ thống hút bụi, tại các lò cấp hơi sử dụng nước, nên giảm được 3 – 5% ô nhiễm không khí và tăng hiệu suất lò hơi. Tương tự, Công ty May Tiên Hưng (Hưng Yên) đã lắp đặt 2 bơm nhiệt để thay thế lò hơi; sử dụng 35 đèn LED thay thế đèn compact; lắp đặt biến tần cho hệ thống bơm… Các thiết bị này đã giúp Công ty tiết kiệm được 177,6 triệu đồng/năm chi phí năng lượng.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ áp dụng SXSH tại các DN dệt may chưa cao, nguyên nhân là do vẫn còn một số hạn chế về nhận thức của DN. Một số DN dệt may nhận định, SXSH chỉ đơn thuần liên quan đến vệ sinh môi trường nên không quan tâm và cho rằng, SXSH có thể gây tốn kém cho DN. Bên cạnh đó, do nguồn lực đầu tư vào sản xuất (đặc biệt là nước và nhân công) còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, nên các DN chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Hơn nữa, nhiều DN chưa hiểu rõ nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và xem BVMT là việc của Nhà nước. Các DN cũng chưa nhận thấy lợi ích của SXSH và cho rằng, SXSH là việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải sẽ làm tăng chi phí. Ngoài ra, nhiều DN vẫn duy trì hệ thống công nghệ sản xuất cũ, tiêu tốn năng lượng, cùng với hạn chế về năng lực kỹ thuật, dẫn đến không tiết kiệm năng lượng, gây phát thải cao. Mặt khác, việc hướng dẫn kỹ thuật trong thực hiện SXSH thường dựa trên mạng lưới các nhà tư vấn, nhưng ngay cả các chuyên gia tư vấn về SXSH cũng thiếu về số lượng và chất lượng.
Để trở thành một ngành kinh tế mạnh với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, trong những năm tới, NDM cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp SXSH như tăng cường triển khai thực hiện hỗ trợ tư vấn về SXSH cho các DN NDM thông qua các Trung tâm Khuyến công. Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các DN dệt may sử dụng các công nghệ, quy trình sản xuất sạch, từng bước thực hiện nghiệm các giải pháp quản lý môi trường.
Đối với các công ty, đơn vị sản xuất, đặc biệt là các đơn vị tư nhân, liên doanh, hoặc 100% vốn nước ngoài thuộc lĩnh vực nhuộm, cần áp dụng các chế tài quản lý định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu dệt nhuộm, kiểm soát nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, nhất là các chất trơ và thuốc nhuộm.
Bên cạnh đó, NDM phải xây dựng Báo cáo đánh giá tác động môi trường phù hợp với Chiến lược phát triển của ngành và các quy định pháp luật về môi trường; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp dệt may có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường để di dời các cơ sở dệt may có nguy cơ gây ô nhiễm. Đồng thời, cần khuyến khích các DN áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường theo ISO 14000, tạo môi trường lao động tốt cho người lao động theo Tiêu chuẩn SA 8000.
Trạm xử lý nước thải dệt nhuộm của Công ty TNHH Chyang Sheng Việt Nam (thị xã Thuận An – Bình Dương).
Đặc biệt, NDM cần xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học – công nghệ về môi trường… nhằm đáp ứng các yêu cầu môi trường và rào cản kỹ thuật để hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, khi Việt Nam gia nhập TPP, “giấy thông hành” đối với các DN dệt may không chỉ là tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, mà còn bao gồm cả các tiêu chuẩn về môi trường; trong đó, phổ biến nhất là tiêu chuẩn sản xuất xanh, xử lý nước thải, giải pháp tái chế phụ phẩm phát sinh trong sản xuất… Ngoài ra, cần khuyến khích các DN dệt may tạo môi trường lao động tốt cho nhân viên.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công chương trình SXSH, một trong những yếu tố quan trọng là các DN dệt may cần lập nhóm SXSH. Đối với các DN lớn, nhóm SXSH có thể bao gồm một đội nòng cốt (gồm đại diện các phòng ban khác nhau) và một số thành phần khác chịu trách nhiệm về từng nhiệm vụ cụ thể.
Đối với các DN vừa và nhỏ, nhóm SXSH có thể chỉ gồm chủ DN và một quản đốc – người giám sát các hoạt động thường nhật. Nhóm này sẽ chịu trách nhiệm khởi xướng, phối hợp và giám sát hoạt động đánh giá SXSH. Để hoạt động có hiệu quả, về cơ bản, nhóm phải có đủ kiến thức để phân tích và rà soát thực hành sản xuất hiện tại của DN. Các chuyên gia trong nhóm cần có khả năng sáng tạo để khám phá, phát triển và đánh giá những cải tiến trong thực hành sản xuất, cũng như triển khai các biện pháp giám sát, kiểm tra để tăng cường việc giảm thiểu chất thải.
Theo Tapchimoitruong.vn