19 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNgậm trái đắng trước cạm bẫy "hàng hiệu" giá rẻ trên mạng

    Ngậm trái đắng trước cạm bẫy “hàng hiệu” giá rẻ trên mạng

    Date:

    Related stories

    Hiện nay, hàng xách tay, hàng hiệu giá rẻ được bán tràn lan trên mạng thu hút nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần thận trọng vì có thể ngậm trái đắng vì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

    Nở rộ hàng xách tay online 

    Hiện nay, việc thông quan hàng từ nước ngoài về Việt Nam được thực hiện khá chặt chẽ do lực lượng hải quan siết chặt quy trình. Tìm hiểu qua những người kinh doanh thực phẩm, mỹ phẩm xách tay được biết, các lô hàng mới đang gặp khó khăn do cơ quan hải quan siết chặt quản lý, đặc biệt các lô vượt chỉ tiêu miễn thuế bị ách lại.

    Tuy nhiên, tại đường Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) – nơi được coi là “kinh đô mua sắm hàng hiệu” vẫn khá sầm uất. Các mặt hàng tại đây khá đa dạng như: Mỹ phẩm, sữa, quần áo, đồ gia dụng, rượu bia và không thiếu mặt hàng điện tử đắt tiền như Iphone, ipad… của những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, nguồn gốc của những sản phẩm này không phải người tiêu dùng nào cũng biết.

    Một chủ cửa hàng ngay đầu phố Nguyễn Sơn cho hay: “Quả thực khách hàng rất ưa chuộng hàng xách tay, đơn giản vì nó độc, chất lượng tốt và có giá thấp hơn hàng hiệu bán ở shop”. Nguồn hàng về đường Nguyễn Sơn rất đa dạng, nước hoa, mỹ phẩm, chủ yếu từ Pháp, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc). Đồ quần áo cũng có nhiều nguồn, tuy nhiên đồ châu Âu rất được ưa chuộng.

    Nhiều người ngậm trái đắng trước cạm bẫy “hàng hiệu” giá rẻ bán trên mạng. Ảnh: Thương Trường 

    Trước sự tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng, người kinh doanh mặt hàng xách tay đã “né” bằng cách không bày bán công khai nhiều mà chuyển qua bán online. Dịch vụ này rất hút khách bởi người mua sẽ được chuyển hàng đến tận nơi.

    Thậm chí, người mua nhận hàng, ưng ý với sản phẩm sau đó mới phải trả tiền. Chị Nguyễn Thị H., chủ trang Facebook chuyên bán hàng xách tay chia sẻ, các sản phẩm chị bán đều do người đi nước ngoài trực tiếp xách về nên chất lượng đảm bảo, cập nhật thường xuyên. Các mặt hàng xách tay thường rất phong phú, đa dạng từ hàng thời trang, mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹpđến hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm…

    “Bán hàng xách tay online đã gần 6 năm, tôi nhận thấy nhu cầu dùng hàng ngoại của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Các mặt hàng xách tay được ưa chuộng vì rẻ hơn những loại hàng nhập chính hãng do giảm bớt các loại thuế, phí hoặc đôi khi có những mặt hàng độc – lạ mà thị trường trong nước không có”, chị H. cho biết.

    Trên thực tế, thị trường hàng xách tay còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Các sản phẩm này thường khó kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ, thẩm định chất lượng… Do đó, khi mua hàng xách tay đồng nghĩa với việc người tiêu dùng bước vào thỏa thuận giao dịch khá bất lợi và mang tính may rủi. May thì được sản phẩm tốt, phù hợp; rủi thì gặp phải sản phẩm kém chất lượng hoặc nguy cơ hàng gian, hàng giả cao…

    Theo tiết lộ của nhiều dân buôn, hàng xách tay như mắt kính, đồng hồ, quần áo, mỹ phẩm, kể cả thuốc tây bày bán trên thị trường đa phần là hàng lậu, thậm chí là hàng giả. Chị Lê Thị Thanh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, chị được biết ở TP.Hồ Chí Minh có hẳn một kho chuyên làm hàng fake, giống hàng thật 99%, rất khó phát hiện. Khi có hàng họ sẽ lập một trang web giảm giá và show hàng cho khách xem. Các đơn chốt sẽ được hẹn 10-15 ngày để gửi từ nước ngoài về, nhưng thực chất là họ gom đơn hàng và lấy từ kho ở Việt Nam.

    “Mình có nhiều bạn ở nước ngoài như Đức, Pháp, họ ra cửa hàng mua giày, quần áo thì lâu lâu vào mua hoặc giới thiệu hàng họ mới giảm giá. Chứ mình thấy các bạn ở Việt Nam bán hàng giảm giá quanh năm, họ còn giảm mạnh hơn cả chính hãng ở nước ngoài từ 30 -70%. Việc giảm giá ở nhiều nước phần lớn theo mùa, còn quanh năm suốt tháng, nếu có thì giảm cục bộ ở một số cửa hàng do hết size, hết trend (hàng giới thiệu), xả kho, cạnh tranh, mà họ cũng chỉ giảm vài % chứ không đến mức vài chục % như các trang bán hàng online”, chị Thanh chia sẻ.

    Mới đây, chị Đặng Bách Hợp (Hà Đông, Hà Nội) mua một chiếc túi xách tay thời trang nhãn hiệu Hermes với giá là 300 USD. Tuy nhiên, chị chỉ dùng 3 tháng chiếc túi này đã bị bong tróc và bay màu. Biết mình bị lừa nhưng cũng không có cách nào khác vì chị mua chiếc túi qua đường online. Chị Hợp bức xúc chia sẻ: “Lúc người ta chuyển hàng về bên trong có chữ “Made in China”, tôi có hỏi thì họ bảo đó là hàng Ý xịn nhưng chỉ thuê công nhân Trung Quốc làm thôi. Cứ nghĩ họ uy tín, bán hàng thật, ai ngờ mua phải hàng đểu”.

    Chính vì thế, những người sành sỏi chơi hàng xách tay đều có lời khuyên, để sở hữu một món đồ xách tay chuẩn, người tiêu dùng nên chọn những shop bán hàng có uy tín, được nhiều người tin dùng và biết rõ về nguồn gốc. Nếu có người thân ở nước ngoài thì gửi mua trực tiếp.

    Đặc biệt người tiêu dùng cần trang bị cho mình kiến thức nhằm kiểm tra chất lượng hàng hoá trước khi mua hàng. Đối với người chuyên mua hàng xách tay trên mạng Internet cần kiểm tra, tìm hiểu kỹ các thông tin trên website chính hãng. Đối với hàng công nghệ, điện tử xách tay, cần kiểm tra những phụ kiện đi kèm, thông số kỹ thuật của máy có khớp với thông số hãng sản xuất công bố hay không.

    Anh Phạm Văn Mạnh (chủ cửa hàng chuyên buôn bán hàng xách tay trên phố Nguyễn Sơn) cho hay: “Khách hàng không nên ham giá rẻ mà đi mua hàng, bởi không có hàng xịn chính hãng nào có giá rẻ cả. Hiện nay, hàng được làm giả, nhái rất tinh vi, giá thị trường thấp hơn so với hàng thật khá nhiều. Hàng giả thường có mẫu mã nhợt nhạt, in kém sắc sảo hoặc dễ bị tẩy xóa; bao bì sử dụng chất liệu kém nên dễ bị nhàu nát, rách”.

    Hàng nhái thương hiệu lớn tràn ngập TikTok

    Thậm chí, hàng nhái, hàng giả các thương hiệu lớn còn ngang nhiên bán trên TikTok shop với mức giá chỉ từ vài chục nghìn đồng. Cụ thể, khi gõ tên các thương hiệu nổi tiếng như Hermès, Louis Vuitton, Gucci, Dior… vào ô tìm kiếm, TikTok Shop lập tức thông báo: “Không tìm thấy kết quả”. Thế nhưng, chỉ cần gõ lái tên các thương hiệu này, hoặc viết tắt, “cố tình” viết sai chính tả, dùng biểu tượng… hàng nghìn kết quả sẽ được hiện ra. Các chủ shop thay tên các thương hiệu nổi tiếng thành HM, Hơ mẹt, Luôn Vui Tươi, Louis Vuituoi.

    Các sản phẩm từ quần áo, giày dép mang logo của những hãng thời trang nổi tiếng nhưng lại bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài chục nghìn đồng.

    Cụ thể, áo phông nhái thương hiệu Louis Vuitton được bán với giá từ 79.000 đồng đến 250.000 đồng. Những đôi dép đựng trong hộp có logo Hermès bán với giá 189.000 đồng. Hay chiếc đồng hồ được quảng cáo là của hãng Rolex (người bán hàng viết lái thành Rolexx) được bán với giá 217.000 đồng. Trong phần bình luận của những sản phẩm này, nhiều khách hàng “kêu trời” vì không nghĩ chất lượng sản phẩm tồi tệ đến vậy.

    “Vẫn biết là với mức giá rẻ như vậy thì chắc chắn là hàng nhái thế nhưng không nghĩ đi được 2 ngày mà quai dép đã bị đứt” – tài khoản Quốc Nghĩa bình luận.

    “Đồng hồ gì mà vừa mua về chưa đeo lần nào đã bị gỉ” – tài khoản Đỗ Lụa viết.

    Tương tự, tài khoản My Vân cho biết, chiếc áo “hàng hiệu” mới mua bị phai màu ngay sau lần giặt đầu tiên. “Giá thì rẻ thật nhưng giặt xong giờ áo màu loang lổ, không còn như ban đầu” – người này viết.

    Trên TikTok, những video hướng dẫn người dùng “cách mua món hàng giả tốt nhất” đạt hàng triệu lượt xem. Những hashtag có nội dung tương tự cũng có hàng tỉ lượt tìm kiếm.

    Theo Luật sư Quách Thành Lực – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, hành vi buôn bán hàng giả nói chung và buôn bán hàng giả qua mạng internet nói riêng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà các đối tượng buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

    Hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, mức phạt tiền thấp nhất là 1.000.000 đồng, cao nhất là 70.000.000 đồng. Hành vi buôn bán giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, mức phạt thấp nhất là 2.000.000 đồng, cao nhất là 50.000.000 đồng. Hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả: mức thấp nhất là 300.000 đồng, cao nhất là 30.000.000 đồng. Ngoài ra, các đối tượng có thể bị phạt tù từ 15-20 năm tù.

    Theo Luật sư Lực, khi biết về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp, người dân có thể tố giác qua số điện thoại hotline hoạt động 24/7 của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Cơ quan này sẽ tiếp nhận thông tin tố giác từ người dân và doanh nghiệp về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và kịp thời có phương thức xử lý, ngăn chặn hiệu quả.

    Ngoài ra, người phát hiện hành vi vi phạm còn có thể gửi đơn thư, khiếu nại tới Tổng cục Quản lý thị trường. Bên cạnh đó, do có dấu hiệu tội phạm, người dân còn có thể gửi đơn tố giác đến cơ quan công an xã, phường, thị trấn; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/tieu-chuan-chat-luong-c86/

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img