22 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngNếu không cấm thuốc lá điện tử sẽ phải trả giá đắt...

    Nếu không cấm thuốc lá điện tử sẽ phải trả giá đắt bằng sức khỏe của nhiều người trẻ

    Date:

    Related stories

    Theo các chuyên gia, hiện nay thuốc lá điện tử tại Việt Nam mới ở mức buôn bán trôi nổi, nhưng nếu không cấm sớm sẽ phải trả giá bằng sức khỏe thanh thiếu niên.

    Báo VnExpress dẫn thông tin từ bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo quy định hiện hành, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nóng…) không được phép sản xuất, nhập khẩu, Kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Song, các doanh nghiệp đang mong muốn đưa sản phẩm vào Việt Nam kinh doanh hợp pháp. Ngành y tế đã khuyến nghị Chính phủ về việc thuốc lá thế hệ mới độc hại như thuốc lá thông thường, không cho phép thí điểm, kinh doanh, nhập khẩu.

    Bà Trang nhấn mạnh: “Nếu cho phép kinh doanh thuốc lá điện tử như một số nước thì vài năm nữa chúng ta lại lao vào cuộc chiến không có hồi kết, phải chống cả thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống”.


    Thuốc lá điện tử có nhiều tác hại cần phải cấm trước khi quá muộn. Ảnh minh họa

    Theo bà Trang, tỷ lệ người Việt sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% vào năm 2019, trước đó chỉ 0,2%. Loại thuốc này đang nhắm đến đối tượng là giới trẻ và cả người chưa hút. Hiện, không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử ít gây hại hơn so với thuốc lá điếu truyền thống.

    Thông tin về vấn đề này, bà Lê Thị Thu, đại diện Tổ chức Health Bridge tại Việt Nam cũng cho rằng, thuốc lá gây bệnh tật và dẫn đến tử vong sớm. Vì thế, để duy trì sản lượng và tăng trưởng lợi nhuận, ngành công nghiệp thuốc lá tìm kiếm người thay thế ở giới trẻ.

    Thống kê cho thấy người trẻ (14-30 tuổi) đã sử dụng thuốc lá điện tử thì nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử. 70% người thử một điếu thuốc và trở thành người hút thuốc hàng ngày do nicotine – chất gây nghiện có trong thuốc lá.

    Thực tế, ngành công nghiệp thuốc lá thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm nhắm đến giới trẻ như: thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ… Ngoài ra còn sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng quảng cáo thuốc lá, đồng thời bán thuốc lá qua các trang thương mại điện tử.

    Bà Thu nhấn mạnh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều độc hại. Hiện, tỷ lệ sử dụng thuốc lá nung nóng ở Việt Nam chưa cao nhưng có xu hướng gia tăng. Do đó, Việt Nam cần khung pháp lý nhằm kiểm soát các sản phẩm này.

    “Cơ quan chức năng cần kiểm soát các hoạt động quảng cáo, buôn bán các sản phẩm này khi các sản phẩm này chưa được phép lưu hành trên thị trường”, bà Thu khuyến nghị.

    Bà Đoàn Thu Huyền, Trưởng đại diện Tổ chức chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam cần quy định cấm mọi loại thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Hiện chưa hình thành thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, chủ yếu buôn bán trôi nổi, do đó sẽ rất khả thi nếu ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.

    Theo bà Huyền, “lợi ích” duy nhất để cho phép lưu hành thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ở Việt Nam là tăng lợi nhuận cho các công ty thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, nhưng phải trả giá bằng chính sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên.

    “Nếu lý do chính là tăng nguồn thu thì tăng thuế các sản phẩm thuốc lá là cách làm hiệu quả nhất, đạt được cả hai mục tiêu là giảm tỷ lệ hút thuốc và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt”, bà Huyền nói.

    Liên quan tới thuốc lá điện tử, các chuyên gia cho biết, thuốc lá điện tử có 2 phần gồm đầu lọc chứa nicotin và hỗn hợp chất tạo mùi thơm, thân lá ống thay vì chứa thuốc lá thực chất là một thiết bị điện tử khi kích hoạt sẽ phun hỗn hợp hơi để đi qua đầu lọc, hòa tan nicotin và chất tạo mùi thơm. Khi người hút rít hơi thuốc, hơi nicotin và mùi thơm sẽ vào miệng và hệ hô hấp như khói thuốc. Nếu suy xét kỹ, thuốc lá điện tử có có 3 vấn đề:

    Nicotin và hỗn hợp hơi dùng trong thuốc lá điện tử hiện nay vẫn chưa được FDA Mỹ thừa nhận trong điều trị. Nicotin ở đây không hề nguyên chất mà có thể bị nhiễm nhiều tạp chất có hại cho sức khỏe. Nicotin không tan trong nước nên hỗn hợp hơi hòa tan trong thuốc lá điện tử phải là dung môi hữu cơ và được xác định là propylen glycol hoặc dietylen glycol là các chất độc hại cho sức khỏe con người.

    Thuốc lá điện tử không giúp cai thuốc lá được dễ dàng. Trái lại, chính việc tiếp tục phì phèo điếu thuốc dù là thuốc lá điện tử làm cho người ta hoặc dùng luôn thuốc lá điện tử hoặc trở lại hút thuốc lá thật. Trong một nghiên cứu của Polosa và cộng sự thử trên 40 người nghiện hút thuốc lá tình nguyện hút thuốc lá điện tử, có 22% người bỏ thuốc lá thật nhưng hầu hết tiếp tục hút thuốc lá điện tử.

    Thông tin thêm về tác hại của thuốc lá điện tử, ông Nguyễn Tuấn Lâm, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, trong thuốc lá điện tử có tới 15.000 loại hương vị, nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma túy. Người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Các chất độc được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh. Ngoài ra còn có nguy cơ chấn thương nghiêm trọng do cháy nổ pin. Vì vậy, ông Lâm đề nghị cần tiếp tục tăng cường các biện pháp cấm hoặc quản lý thuốc lá thế hệ mới phù hợp với bối cảnh quốc gia.

    Hiện ít nhất 24 quốc gia/vùng lãnh thổ cấm mọi hình thức mua bán, sản xuất và nhập khẩu thuốc thế hệ mới, trong đó có Ấn Độ, Brazil, Mexico, Singapore, Thái Lan, Qatar, Iran, Campuchia… 4 bang của Mỹ cũng cấm bán tất cả sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị để ngăn chặn tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử của giới trẻ.

    An Dương (T/h)
    http://vietq.vn/neu-khong-cam-thuoc-la-dien-tu-se-tra-gia-bang-suc-khoe-cua-thanh-thieu-nien-d175783.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img