Chính quyền Na Uy hôm thứ Ba (15/12) đã bật đèn xanh cho dự án thu giữ và chôn CO2 xuống đáy Biển Bắc, do các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Equinor, Total và Shell thực hiện. Với tên gọi Northern Lights, dự án nhằm mục đích bơm và chôn CO2 trong các lớp địa chất ở độ sâu 2.600 m dưới đáy biển, một công nghệ được coi là có triển vọng đối với khí hậu nhưng tốn kém.

Một ngày sau khi được quốc hội bỏ phiếu thuận, chính phủ Na Uy đã đồng ý tài trợ 80% trong số 6,9 tỷ curon (650 triệu euro) cần thiết cho giai đoạn đầu tiên của dự án. “Thu giữ và lưu trữ carbon là một công nghệ quan trọng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”, Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy Tina Bru cho biết tại cuộc họp báo trực tuyến.

Bắt đầu từ năm 2024, Northern Lights sẽ có thể xử lý và lưu trữ tới 1,5 triệu tấn CO2 mỗi năm, công suất sau đó có thể tăng lên 5 triệu tấn mỗi năm. Carbon dioxide hóa lỏng sẽ được vận chuyển bằng thuyền đến một bến cảng từ đó nó sẽ được bơm xuống đáy biển.

Khoảng 400.000 tấn CO2 mỗi năm sẽ đến từ Norcem, một nhà máy xi măng ở Na Uy thuộc sở hữu của tập đoàn Đức HeidelbergCement. Nhà máy này sẽ được trang bị các phương tiện thu giữ CO2 như một phần của dự án lớn hơn, “Longship” (được đặt theo tên các tàu Viking), cũng được hỗ trợ tài chính bởi Oslo.

Một số lượng CO2 tương tự cũng có thể đến từ một nhà máy đốt rác do Fortum vận hành gần Oslo nếu EU đồng tài trợ, Na Uy cho biết.

Các ý định thư đã được ký kết với 9 đối tác công nghiệp khác, những đối tác này có thể đồng ý trả tiền để được lưu trữ CO2 của họ thay vì trả thuế carbon để thải nó vào khí quyển. Ông Patrick Pouyanné, CEO của Total, cho biết: “Sự phát triển của chuỗi giá trị thu giữ và lưu trữ CO2 là điều cần thiết để khử cacbon cho các tập đoàn công nghiệp châu Âu”. Ông cho biết thêm rằng công ty ông đang dự định tham gia 3 dự án cùng loại ở Biển Bắc. Các dự án này cho phép Total lưu trữ CO2 do nhà máy lọc dầu của mình ở Normandy thải ra, ông giải thích.

Kỹ thuật thu giữ và lưu trữ CO2 (CCS) được coi là đặc biệt hữu ích đối với các cơ sở công nghiệp nặng, thường khó khử carbon, chẳng hạn như nhà máy thép, nhà máy xi măng, nhà máy lọc dầu hoặc thậm chí các đơn vị hóa chất và hóa dầu.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/na-uy-bat-den-xanh-cho-du-an-thu-giu-co2-cua-equinor-total-va-shell-590701.html