18 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngMỹ phẩm Nhật Bản giá rẻ tràn ngập chợ mạng: Chất lượng...

    Mỹ phẩm Nhật Bản giá rẻ tràn ngập chợ mạng: Chất lượng có đảm bảo?

    Date:

    Related stories

    Hiện nay trên các trang mạng xã hội tràn lan quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm của Nhật Bản nhưng thực tế những sản phẩm này đều có giá rất rẻ, vậy chất lượng ra sao?

    Mỹ phẩm Nhật Bản giá rẻ bán tràn lan

    Theo ghi nhận của báo Dân Trí, trên các nhóm kín, diễn đàn mua bán mỹ phẩm online, số lượng bài đăng quảng cáo mỹ phẩm nguồn gốc Nhật Bản chỉ từ 100.000 đồng ngày càng nhiều.

    Theo lời người bán, những hộp kem dưỡng mắt, son dưỡng môi hãng DHC, kem dưỡng da thương hiệu NMN, kem chống nắng… xuất xứ Nhật Bản đang được giảm giá chỉ còn 100.000-200.000 đồng. Mức giá trên rẻ hơn hẳn so với giá đã giảm trên website chính hãng.

    Hương Thảo (Hà Nội) kể lại câu chuyện mua nhầm kem chống nắng hàng giả trên sàn thương mại điện tử với mức giá rẻ bằng một nửa so với hàng thật, chỉ 190.000 đồng, trong khi hàng thật có giá bán không dưới 350.000 đồng. Cô nhận ra điều này khi nhận hàng và thấy phần vỏ sản phẩm ọp ẹp, chất kem loãng, màu kem nhạt. Dù vậy, cửa hàng này vẫn có tới gần 1000 lượt bán ra và nhiều phản hồi tích cực.

    Vân Anh – chủ một cửa hàng mỹ phẩm ở TP.Bắc Giang cho biết, việc mỹ phẩm hàng giả trà trộn với hàng thật là tình trạng đã xảy ra nhiều năm nay. Hiện tại, hàng nhái được làm rất tinh vi, giống hàng thật tới 95%, người bán cũng khó phân biệt nên người mua gần như không thể phát hiện ra.


    Cảnh giác khi mua mỹ phẩm Nhật Bản giá rẻ trên mạng xã hội. (Ảnh: Dân Trí)

    Hiện tại, trên website chính hãng của thương hiệu DHC tại Nhật Bản, dòng quảng cáo “70% sale off” (giảm giá 70%) được treo chính giữa. Combo 3 thỏi son dưỡng môi DHC có giá 2070 yên (348.000 đồng). Như vậy, mỗi thỏi son DHC có giá khoảng 116.000 đồng. Trong khi đó trên sàn thương mại điện tử và một vài nhóm kín ở Việt Nam, thỏi son này đang được rao bán với mức giá dao động từ 99.000 đồng tới 139.000 đồng. Về kem dưỡng mắt, giá bán trên website chính hãng là 1.980 yên (333.000 đồng), trong khi không ít người bán đưa ra mức giá cho sản phẩm này là 180.000 đồng.

    Vân Anh cho biết thêm, bản thân cô cũng có thể nhập son DHC chính hãng Nhật Bản với mức giá rẻ hơn 116.000 đồng nhờ mua số lượng lớn và có thêm mã giảm giá dành cho thành viên kim cương. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, vì DHC bị làm giả quá nhiều, Vân Anh quyết định không kinh doanh mặt hàng này.

    Với tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng nhiều, người mua cũng không thể khẳng định sản phẩm của mình là hàng thật nếu mua hàng được nhập qua một người buôn khác. Do vậy, chỉ khi chắc chắn hàng hóa được lấy hàng từ website và cửa hàng chính hãng, sản phẩm mới có thể đảm bảo là hàng thật.

    Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, trong quá trình sử dụng, nếu có điều kiện, người mua hãy tìm hiểu kiến thức về sản phẩm và so sánh với sản phẩm mình đang dùng. Cùng với đó, hãy theo dõi làn da, tác dụng khi sử dụng. Nếu thấy có vấn đề không ổn hãy lập tức dừng lại, không nên lạm dụng dùng mỹ phẩm quá nhiều mà quên việc theo dõi tình trạng làn da.

    Nguy hại từ mỹ phẩm kém chất lượng

    Nói tới mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu, thời gian gần đây, lực lượng chức năng các tỉnh đã phát hiện và thu giữ lượng lớn mỹ phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Điển hình, ngày 12/6/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 706/QĐ-XPHC đối với ông Nguyễn Văn Cương đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính gồm: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là mỹ phẩm và Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là mỹ phẩm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 135.000.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp số tiền 976.000 đồng, buộc tiêu hủy trên 5.000 sản phẩm mỹ phẩm trị giá 2.036.233.000 đồng.

    Mỹ phẩm chất lượng cao cần có tiêu chuẩn gì? Để sản xuất mỹ phẩm trong nước, các công ty mỹ phẩm phải có nhà máy sản xuất đạt chất lượng CGMP – ASEAN. Để lưu hành phải qua sự kiểm duyệt gay gắt mới được cấp chứng nhận ISO 9001 và ISO 22716.
    Tiêu chuẩn ISO 22716:2007, tên đầy đủ là Cosmetics — Good Manufacturing Practices (GMP) — Guidelines on Good Manufacturing Practices, thường được biết đến là Hướng dẫn Thực hành sản xuất tốt (GMP) cho mỹ phẩm. Tiêu chuẩn ISO 22716 đưa ra hướng dẫn về việc sản xuất, kiểm soát, lưu trữ và phân phối các sản phẩm mỹ phẩm. Tiêu chuẩn này cũng được sắp xếp để phù hợp với các hệ thống quản lý chất lượng hiện tại như ISO 9001.

    Để đạt được tiêu chuẩn ISO 22716, doanh nghiệp phải đảm bảo mọi quy trình của chuỗi cung ứng mỹ phẩm, tập trung vào sự an toàn và chất lượng sản phẩm. Việc tuân thủ danh mục các quy định của tiêu chuẩn ISO 27716 chính là cách để kiểm soát chất lượng sản phẩm, cũng như tác động của sản phẩm đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, chủ sở hữu thương hiệu, nhà cung cấp và chuỗi bán lẻ.

    Vào tháng 8/2023, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phát hiện tang vật là mỹ phẩm các loại, có xuất xứ nước ngoài gồm: 108 chai sữa dưỡng thể nhãn hiệu Vaseline (loại 725ml), 324 chai lăn khử mùi Nivea (loại 150ml), 204 chai lăn khử mùi Dove (loại 150ml), 792 chai dầu cù là Whit Siang Pure Balm (loại 100g), tổng giá trị hàng hoá ước tính trên 50 triệu đồng.

    Mới đây nhất, vào ngày 11/11, Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT TP.HCM bất ngờ kiểm tra đồng loạt 2 điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên địa bàn quận Tân Phú và quận Bình Tân. Qua kiểm tra, phát hiện 5.445 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, mắt kính và thực phẩm bao gói sẵn các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

    Theo các chuyên gia da liễu, mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên thu giữ, xử phạt hành vi buôn bán, sản xuất mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, nhưng mỹ phẩm tự chế, tự pha trộn, tự chiết… vẫn tràn lan trên thị trường. Đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, các loại mỹ phẩm này được quảng cáo rất hấp dẫn, giá rẻ khiến nhiều chị em “xiêu lòng”. Nhưng những hậu quả khôn lường về sức khỏe, sắc đẹp và tinh thần thì người tiêu dùng phải gánh chịu.

    Bác sĩ Đỗ Thiện Trung – Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo, để có lợi nhuận, tác dụng nhanh, dễ đánh lừa người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào sản phẩm mỹ phẩm những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thuỷ ngân, kẽm, cyanua. Nguy hiểm hơn là những chất đó gây biến đổi thành phần lý hóa trên bề mặt da và mô phía dưới.

    Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh – Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều tác hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là da khi sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng. Một số người sẽ bị tác dụng tức thì ngay sau khi dùng như mẩn đỏ, nổi ban, dị ứng trực tiếp trên da. Có những trường hợp bị muộn hơn, sau khi dùng sản phẩm được một thời gian thì da mặt mỏng hơn, giãn mạch nhiều hơn.

    Đối với những loại mỹ phẩm bị làm giả, đa số sẽ có thành phần là kim loại nặng trong mỹ phẩm. Khi sử dụng những loại mỹ phẩm này lâu sẽ gây biến đổi gen và các tế bào, phát sinh các bệnh về gan, nội tiết… thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, gây vô sinh” – bác sĩ Oanh nói.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/my-pham-nhat-ban-gia-re-tran-ngap-cho-mang-chat-luong-co-dam-bao-d216891.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img