Mới đây Bang California, Mỹ đã đề xuất cấm 5 phụ gia thực phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bang California (Mỹ) là tiểu bang đầu tiên đề xuất cấm 5 hóa chất có nguy cơ gây hại trong thực phẩm. Các chất tạo màu và chất bảo quản này đã bị cấm tại châu Âu, nhưng vẫn có mặt trong nhiều sản phẩm đóng gói tại thị trường Mỹ.

Nghiên cứu mới đây phát hiện, gần 60% thực phẩm đóng gói mà người Mỹ tiêu dùng có chứa chất tạo màu và hương vị nhân tạo cùng chất bảo quản. Ngoài ra, một số phụ gia này có liên quan tới nhiều vấn đề sức khỏe như nguy cơ mắc bệnh tim mạch và chứng lo âu.

Vào tháng 2, các nhà lập pháp tại bang California đã đề xuất dự luật về an toàn thực phẩm, nhằm cấm sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm có chứa 5 nhóm phụ gia thực phẩm có nguy cơ gây hại. Nếu được đưa vào thi hành, đây sẽ là dự luật đầu tiên tại Mỹ cấm sử dụng các hóa chất này trong ngành công nghiệp thực phẩm.

5 phụ gia nằm trong danh sách cấm gồm: Phẩm màu đỏ Red Dye No.3, dầu thực vật brom hóa, kali bromate, propylparaben, titanium dioxide. Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia đã cấm sử dụng các hóa chất này trong sản xuất thực phẩm đóng gói, do quan ngại các tác động tiêu cực với sức khỏe. 5 hóa chất này có liên quan tới nguy cơ ung thư, ảnh hưởng tới hệ sinh sản và hệ thần kinh, đặc biệt là rối loạn hành vi ở trẻ nhỏ.


Mỹ đề xuất cấm 5 phụ gia thực phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thống kê của tổ chức hoạt động vì môi trường EWG cho thấy, trên thị trường có tới gần 3.000 thực phẩm đóng gói có chứa màu Red Dye No.3, từ các loại kẹo phổ biến, kem, đến các loại thịt chế biến sẵn. Kali bromate là chất phụ gia khá được ưa chuộng trong sản xuất bánh mì và bánh nướng. Còn dầu thực vật brom hóa được sử dụng chủ yếu để giúp nhũ hóa nước giải khát có vị cam quýt.

Nếu dự luật này được thông qua, kể từ ngày 1/1/2025, nhiều sản phẩm đồ ngọt và thực phẩm đóng gói sẽ không còn được bày bán tại California, trong đó có nhiều hãng kẹo nổi tiếng.

Theo chuyên trang Báo cáo Người tiêu dùng (Consumer Reports), màu Red Dye No.3 đã bị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm sử dụng trong công nghiệp mỹ phẩm hơn 30 năm. Nguyên nhân là vì ở liều lượng cao, hóa chất này có thể gây ung thư ở động vật.

Trong khi đó, cũng chính phụ gia này lại được cho phép sử dụng trong thực phẩm. Red Dye No.3 có mặt trong hàng nghìn thực phẩm, từ kẹo đến đồ uống, thậm chí là thuốc cho trẻ em và người lớn sử dụng hàng ngày.

Red Dye No.3 hay còn gọi là erythosine là màu tổng hợp từ dầu mỏ, tạo nên màu đỏ hồng sáng. Nghiên cứu trên động vật cho thấy, những con chuột sử dụng phụ gia ở liều cao trong thời gian dài dần hình thành các khối u tuyến giáp. Một số tổ chức lại cho rằng, Red Dye No.3 khó hấp thụ với cơ thể người và liều lượng trong thực phẩm được duy trì ở mức an toàn với con người.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy, các phẩm màu nhân tạo, trong đó có Red Dye No.3, có liên quan tới chứng tăng động ở trẻ nhỏ. Tháng 10/2022, Consumer Reports cùng Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Cộng đồng (CSPI) và hơn 20 tổ chức khác đã ký đơn thỉnh nguyện kêu gọi FDA cấm sử dụng Red Dye No.3 trong thực phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc dùng qua đường uống.

Trước đó, một bài báo mới đây trên The Washington Post cho biết, người tiêu dùng nên thận trọng với những sản phẩm, đặc biệt kẹo, có chất phụ gia tạo màu đỏ (Red Dye No. 3) vốn nhiều thập niên qua luôn nằm trong vòng tranh cãi về mức độ ảnh hưởng sức khỏe con người.

Nhà độc chất học Linda Birnbaum, cũng là nhà vi trùng học và cựu Giám đốc Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia (thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ), cho rằng người tiêu dùng nói chung nên tránh các chất phụ gia, đặc biệt đối với trẻ em, vì cơ thể chúng đang phát triển và mẫn cảm hơn người lớn. “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ,” Birnbaum nói. “Do cơ thể các em đang phát triển và thay đổi nhanh chóng nên các em có nhiều nguy cơ bị phơi nhiễm hóa chất hơn so với người lớn.”

Theo đánh giá về phơi nhiễm của FDA, phẩm màu cần phải được ghi rõ trong danh sách thành phần sản phẩm. Có vô số sản phẩm sử dụng phẩm màu, từ các loại snack, sữa đông lạnh, nước trái cây, kẹo mềm đến kẹo cao su… Phụ gia phẩm màu cũng được tìm thấy trong nhiều mặt hàng không có màu đỏ.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/my-de-xuat-cam-5-phu-gia-thuc-pham-co-nguy-co-gay-hai-cho-suc-khoe-d209086.html