Theo quy định mới, kể từ ngày 3/7/2021, một số sản phẩm nhựa sử dụng một lần không còn được đưa vào thị trường EU.
Theo Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ và Luxembourg, chỉ thị 2019/904 của EU về nhựa sử dụng một lần đã được EU thông qua vào tháng 6/2019 với mục đích ngăn ngừa và giảm tác động của một số sản phẩm nhựa đến môi trường. Động thái này của EU cũng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với các mô hình kinh doanh, sản phẩm, nguyên liệu sáng tạo và bền vững.
Chỉ thị sẽ được chuyển thành luật quốc gia và áp dụng từ ngày 3/7/2021 trên toàn EU. Theo quy định này của EU về nhựa sử dụng một lần, kể từ 3/7/2021, các nước thành viên phải đảm bảo rằng một số sản phẩm nhựa sử dụng một lần không còn được đưa vào thị trường EU.
Đó là những sản phẩm được lựa chọn thay thế các sản phẩm không chứa nhựa có giá cả phải chăng đang tồn tại trên thị trường: que tăm bông, dao kéo, đĩa, ống hút, máy khuấy, que bóng bay, cũng như một số sản phẩm làm bằng polystyrene giãn nở (cốc và hộp đựng thực phẩm và đồ uống) và tất cả sản phẩm làm bằng nhựa phân hủy oxo.
Đối với các sản phẩm nhựa khác, chẳng hạn như dụng cụ đánh cá, túi ni lông sử dụng một lần, chai lọ, hộp đựng đồ uống và thực phẩm để tiêu thụ ngay, gói và giấy bọc, đầu lọc thuốc lá, vật dụng vệ sinh và khăn ướt, EU sẽ áp dụng các biện pháp khác ví dụ việc hạn chế sử dụng, giảm tiêu thụ và ngăn ngừa xả rác thông qua các yêu cầu về nhãn mác, các chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng (“nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền”), các chiến dịch nâng cao nhận thức và các yêu cầu về thiết kế sản phẩm.
Ảnh minh họa
Trước đó, vào ngày 31/5/2021, Ủy ban Châu Âu đã hướng dẫn các quy tắc của EU về nhựa sử dụng một lần và thông qua quyết định thực thi việc giám sát và báo cáo ngư cụ được đưa ra thị trường và ngư cụ đánh bắt thải ra được thu gom.
Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ và Luxembourg khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang xuất khẩu đồ nhựa dùng một lần vào EU cần liên hệ với nhà nhập khẩu để có kế hoạch chuyển đổi sản xuất theo quy định liên quan.
Song song với các giải pháp hạn chế nhập khẩu nhựa dùng một lần, kể từ năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra quy định mới nhằm chấm dứt việc xuất khẩu rác thải nhựa không phân loại tới các nước ngoài châu Âu không hội đủ khả năng và tiêu chuẩn cần thiết để xử lý loại rác thải này một cách bền vững. Xuất khẩu rác thải nhựa không phân loại sang các nước không phải là thành viên của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) là hoàn toàn bị cấm theo quy định mới.
Việc xuất khẩu rác thải sạch và không nguy hiểm để tái tạo của EU sang các nước không phải thành viên OECD chỉ được phép thực hiện với các điều kiện đặc biệt. Trong đó, quốc gia nhập khẩu cần phải chỉ rõ cho Ủy ban châu Âu thấy các quy định được thực thi về việc nhập khẩu này.
Xuất khẩu từ EU sẽ cần phải tuân thủ các điều kiện mà nước nhập khẩu đặt ra. Đối với những nước không cung cấp thông tin về quy định pháp lý của họ thì EU sẽ ngừng cấp phép cho hoạt động xuất khẩu này. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu rác thải nhựa nguy hiểm và khó tái chế từ bên ngoài vào EU cũng phải được kiểm soát gắt gao thông qua cơ chế cảnh báo về môi trường của EU.
Uỷ viên châu Âu về môi trường, ông Virginijus Sinkevičius khẳng định “đây là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đấu tranh chống ô nhiễm rác thải nhựa cũng như việc chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh châu Âu”.
Bảo Lâm
http://vietq.vn/mot-so-san-pham-nhua-dung-mot-lan-bi-cam-dua-vao-thi-truong-eu-d188068.html