Theo công bố của các nhà khoa học, ô nhiễm không khí đã khiến 8,8 triệu người tử vong sớm trên toàn thế giới.
Tờ Sputnik (Nga) dẫn thông tin được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu cho biết, mỗi năm, ô nhiễm không khí gây ra 790.000 ca tử vong sớm ở châu Âu, gấp đôi con số mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra. Trải qua một quá trình nghiên cứu lâu dài nhằm xác định mức độ phơi nhiễm của dân số toàn cầu đối với ô nhiễm không khí, con số là 8,8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới đã được các nhà khoa học đưa ra.
Trong đó, có khoảng 40 đến 80% trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí ở châu Âu là do các triệu chứng tim mạch (chẳng hạn như đau tim và đột quỵ). Ngoài ra, báo cáo cho thấy ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ trung bình ở châu Âu khoảng 2,2 năm.
“Điều này có nghĩa là ô nhiễm không khí gây ra nhiều ca tử vong hơn trong một năm so với hút thuốc lá, là nguyên nhân gây thêm 7,2 triệu ca tử vong trong năm 2015”, Thomas Munzel, giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Mainz ở Đức cho biết.
Cũng theo vị giáo sư này, số ca tử vong do bệnh tim mạch bắt nguồn từ ô nhiễm không khí cao hơn nhiều so với dự kiến. Chỉ riêng ở châu Âu, số ca tử vong vượt mức là gần 800.000/năm và mỗi trường hợp tử vong này cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân đang giảm xuống hơn 2 năm… “Hút thuốc là có thể tránh được, nhưng ô nhiễm không khí thì không”, ông Munzel nói thêm.
Mỗi năm có 8,8 triệu người trên thế giới tử vong sớm do ô nhiễm không khí. Ảnh: Sputnik
Trước đó, vào tháng 5/2018, WHO ước tính rằng ô nhiễm không khí ở các thành phố và khu vực nông thôn đã dẫn đến 4.2 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới vào năm 2016.
Nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu cũng cho thấy hầu hết các trường hợp tử vong là do bụi PM2.5, vốn bao gồm các chất rắn siêu nhỏ và các giọt chất lỏng trong không khí nhỏ đến mức con người có thể hít phải và xâm nhập vào hệ thống mạch máu. Giới hạn trung bình hàng năm hiện tại đối với PM2.5 ở châu Âu là 25 microgam/m3, cao hơn 2,5 lần so với ngưỡng của WHO là 10 microgam/m3.
“Nhiều quốc gia khác, như Canada, Mỹ và Australia sử dụng ngưỡng khuyến cáo của WHO, EU đang tụt lại phía sau về phương diện này. Bằng chứng mới có thể dẫn đến việc hạ thấp hơn nữa khuyến cáo của WHO trong tương lai gần “, ông Munzel cho biết.
Liên quan tới vấn đề trên, Scott Edwards, đồng giám đốc của Food & Water Watch cho rằng, mối đe dọa lớn nhất đối với chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng phát sinh từ sự phụ thuộc liều lĩnh của con người vào nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, việc đốt dầu, khí đốt và than để vận hành các nhà máy điện, ô tô, hệ thống sưởi ấm, làm mát… sẽ dẫn đến một lượng lớn khí thải nguy hiểm ảnh hưởng đến cộng đồng và tiêu tốn hàng tỷ đô la chi phí y tế.
Edwwards cũng khuyến cáo các quốc gia cần chuyển nhanh sang nền kinh tế dựa vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đồng thời chuyển sang khai thác nhiều hơn hệ thống gió, mặt trời và địa nhiệt.
Theo Thanh Thảo/vietq.vn (14/3/2019)