Thống kê cho thấy 1 lít xăng thải ra hơn 2kg CO2 vào bầu khí quyển từ động cơ ô tô. Trung bình với mỗi xe ô tô, một bình xăng thải ra hơn 100kg CO2 vào bầu khí quyển.
Thông tin từ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019 cho biết, đi phương tiện công cộng sẽ tốt hơn là đi ô tô cá nhân. Giữa máy bay và tàu hỏa, máy bay thải ra nhiều CO2 hơn, vì vậy, nếu di chuyển dưới vài trăm km, hãy cân nhắc dùng tàu hỏa thay vì máy bay.
Khói xe bao gồm hỗn hợp những loại khí nào
1. Carbon dioxide: Đây là thành phần “quen mặt” nhất trong khí thải động cơ xe. Đây là sản phẩm phụ của những phản ứng đốt cháy nguyên liệu. Khí carbon dioxide là chất gây nên “hiệu ứng nhà kính”. Khí carbon dioxide sẽ gây độc tùy theo hàm lượng của chúng. Mức độ ảnh hưởng có thể biến đổi từ nhức đầu, xây xẩm, run rẩy, cảm giác bị kim chích, khó thở, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, bất tỉnh hoặc… không bao giờ tỉnh. Mức độ của khí carbon dioxide được tính như sau:
– 250-350 ppm (parts per million-phần triệu): ở không khí ngoài trời bình thường.
– 350-1.000 ppm: trong những phòng có sự trao đổi khí tốt giữa bên trong và bên ngoài.
– 1.000-2.000 ppm sẽ gây ra sự uể oải, buồn ngủ, đờ đẫn, kém tập trung, tăng nhịp tim và có thể bị nôn ói.
– Trên 5.000 ppm sẽ gây mất oxy và hậu quả là gây tổn hại não vĩnh viễn, bất tỉnh, tử vong.
2. Carbon monoxide (CO): Khi hít phải khí CO ở mức 667 ppm thì CO sẽ làm chuyển đổi 50% haemoglobin vận chuyển oxy thành carboxyhemoglobin. Phân tử carboxyhemoglobin không có chức năng mang oxy đến tế bào. Ngay sau khi tiếp xúc với CO, bạn sẽ bị nhức đầu, nôn mửa, mệt mỏi và dẫn đến tử vong.
3. Nitric oxides (NO và NO2): Ở liều lượng nhỏ, các nitric oxides đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự liên lạc giữa các tế bào. Tuy nhiên, ở liều cao, các nitric oxides sẽ gây hại hệ mạch máu. Thai phụ hít các nitric oxides thường xuyên sẽ gây nên dị dạng thai nhi, biến đổi DNA và các chứng bệnh đa xơ cứng.
4. Sulfur dioxide: Gây rối loạn hô hấp
5. Các phần tử cực nhỏ: Các thành phần “lạ” này sẽ gây hại mô phổi và phát triển một số dạng ung thư.
6. Các hợp chất hydrocarbons đa vòng: gây tổn hại lên da và hệ tự miễn của cơ thể.
Khói, bụi xe gây nhiều bệnh tật
Nhìn nhận về vấn đề này, BS Huỳnh Tấn Tiến – Chủ tịch Hội Y học Dự phòng TP.HCM, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM – nói khí thải từ xăng dầu và bụi bặm do xe cộ gây ra ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp của người dân.
Trong khí thải xăng dầu còn có những chất rất độc, có thể gây ung thư hoặc gây kích thích như benzen, acid H2S, CO, cacbon… Một số chất độc khác còn có thể ngấm vào máu gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể.
Người già, trẻ em đang mắc các bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh hen suyễn… khi hít phải nhiều khí thải độc hại từ xe cộ dễ có nguy cơ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do chít hẹp đường thở nếu không có thuốc cắt cơn hoặc đi cấp cứu kịp thời.
Vì vậy, để tránh những trường hợp tử vong do hít phải khói xe, quan trọng là nên phổ biến rộng rãi về tác hại của khói xe cho công chúng. Không nên nổ máy xe trong phòng kín. Không nên dùng động cơ xe để lấy ánh sáng hoặc mở máy lạnh.
Theo Khánh Ly/moitruong.com.vn (1/11/2019)