Theo chuyên gia dinh dưỡng đối với mật ong giả do chứa nhiều đường và phụ gia, hương liệu nên kiến sẽ bu vào ăn còn đối với mật ong thật do có kháng sinh tự nhiên nên kiến sẽ không ăn.
Mật ong bị kiến bu nhiều nguy cơ là sản phẩm giả?
Mật ong luôn được xem là món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng bởi nhiều lợi ích mang đến cho con người. Mật ong được tạo thành từ chất ngọt do ong thu thập được trong các bông hoa, là thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Nó chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cũng như thành phần chống oxy hóa có lợi cho cơ thể và làn da khi sử dụng.
Trong thời buổi hiện nay, mật ong giả xuất hiện tràn lan gây ra không ít lo ngại cho sức khỏe nếu sử dụng. Để có cách phân biệt mật ong thật giả nhiều người đã truyền tai nhau phương pháp dùng kiến bu vì họ nghĩ rằng nếu là thật kiến sẽ không dám ăn, nếu là giả kiến sẽ bâu đầy. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng mật ong bị kiến ăn là điều bình thường vì trong mật vốn dĩ có đường.
Thực tế, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh- nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nếu lọ mật ong bị kiến bu đến thì đó có thể là mật ong giả, kém chất lượng. Nguyên nhân bởi mật ong giả được làm từ đường và một số phụ gia, hương liệu khác, trong đó nguyên liệu chủ yếu là đường saccarozo. Chất này không có những đặc tính như mật ong tự nhiên, cụ thể là khả năng kháng khuẩn, nên kiến dễ bu vào. Mật ong giả về cơ bản không gây độc, song sử dụng quá nhiều trong thời gian dài không tốt sức khỏe.
Kiến bu đầy mật ong nguy cơ đó là sản phẩm giả, chứa nhiều phụ gia và đường. Ảnh minh họa
Nếu là mật ong thật kiến sẽ không vào ăn vì trong mật ong thật có chất kháng sinh kiến không dám ăn. Ngược lại, mật ong giả chứa toàn đường, chất tạo ngọt nên sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của kiến. Mật ong thật có mùi thơm hoa cỏ đặc trưng. Ngược lại mật ong giả có mùi giống đường hoặc mùi giống các loại gia vị khác.
Một kinh nghiệm nhận biết mật ong thật – giả hiệu quả đó là chuẩn bị một cốc nước lọc lạnh, sau đó nhỏ giọt mật ong vào. Mật ong nguyên chất có xu hướng vón cục và lắng xuống đáy ly, không dễ hòa tan trong nước. Mặt khác, nếu mật ong dễ dàng hòa tan với nước thì đó có thể là dấu hiệu của sự pha trộn. Điều này là do mật ong bị pha trộn thường chứa thêm độ ẩm hoặc siro, nhiều đường, có thể dễ dàng hòa trộn với nước hơn.
Hoặc theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh hướng dẫn, mọi người có thể lấy phần lá hành tươi nhúng vào mật ong và để từ 5 đến 10 phút. Nếu là mật ong nguyên chất sẽ làm lá hành bị héo đi và chuyển sang màu xanh đậm, còn mật ong giả thì không ảnh hưởng đến tình trạng của hành.
Yêu cầu mật ong theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12605:2019
Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho mật ong. Theo đó mật ong phải giữ nguyên bản chất tự nhiên của mật ong, không được pha trộn và bổ sung bất kỳ thành phần nào. Mật ong không được đun nóng hoặc xử lí mà có thể gây thay đổi thành phần cơ bản, chất lượng mật ong.
Yêu cầu cảm quan, về màu sắc mật ong có nhiều màu từ gần như không màu đến màu nâu sẫm. Mùi mật ong thơm đặc trưng, vị ngọt nhẹ đến ngọt khé và luôn ở trạng thái lỏng sánh cho đến kết tinh. Hàm lượng nước đối với mật ong từ hoa và mật ong từ cây thuộc chi thạch thảo (Calluna) không lớn hơn 23%, còn đối với mật ong của một số loại cây từ lá không lớn hơn 21%.
Tổng hàm lượng fructose và glucose mật ong từ dịch cây, hỗn hợp của mật từ dịch cây và mật hoa không nhỏ hơn 45g/100 g. Đối với các loại mật ong còn lại không nhỏ hơn 60 g/100 g.
Hàm lượng sucrose, các loại mật ong từ Cỏ linh lăng (Medicago sativa), các loài cam quýt (Citrus spp.), dương hòe (Robinia pseudoacacia). chi Hedysarum, loài Banksia menziesii. bạch đàn trắng (Eucalyptus camaldulensis), các loài Eucryphia lucida, Eucryphia milligani không lớn hơn 10g/100g. Đối với mật ong từ Cây oải hương (Lavandula spp.), cây mồ hôi (Borago officinalis): Không lớn hơn 15g/100g. Các loại mật ong còn lại không lớn hơn 5g/100g. Hàm lượng đường C-4 các loại mật ong không lớn hơn 7%.
Hàm lượng hydroxymetylfurfural mật ong sau khi chế biến và/hoặc trộn không lớn hơn 40mg/kg. Mật ong từ các nước hoặc khu vực nhiệt đới không lớn hơn 80mg/kg.
Hoạt lực diastasa mật ong sau khi chế biến và/hoặc trộn không nhỏ hơn 8 đơn vị Schade. Mật ong cỏ hàm lượng enzym tự nhiên thấp không nhỏ hơn 3 đơn vị Schade. Độ axit tự do của các loại mật ong không lớn hơn 50mili đương lượng axit/1000g. Độ dẫn điện mật ong và hỗn hợp của các loại mật ong không lớn hơn 0,8mS/cm. Mật ong của cây hạt dẻ và mật ong từ dịch cây và hỗn hợp của chúng không nhỏ hơn 0,8mS/cm.
Hàm lượng chất rắn không tan trong nước của các loại mật ong không phải là mật ong ép không lớn hơn 0,1g/100g. Mật ong ép không lớn hơn 0,5g/100g. Chất nhiễm bẩn như dư lượng kim loại nặng trong mật ong không vượt giới hạn cho phép theo quy định hiện hành.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong mật ong phải tuân thủ các quy định hiện hành. Dư lượng thuốc thú y trong mật ong phải tuân thủ các quy định hiện hành. Mật ong cần được chế biến và xử lý theo TCVN 5603:2008 (CAC/RCP 1-1969, Rev.4-2003) và các quy phạm thực hành khác có liên quan. Mật ong cần tuân thủ các quy định về vi sinh vật theo TCVN 9632: 2013.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-dinh-duong-khuyen-cao-mat-ong-bi-kien-bau-nhieu-nguy-co-su-dung-duong-va-phu-gia-d228400.html