Theo các nha sĩ, bàn chải đánh răng cần thay định kỳ 3 tháng/lần, thậm chí là sớm hơn nếu bạn thường xuyên bị ốm vì nếu không dễ bị vi khuẩn tấn công.
Bàn chải đánh răng là một vật dụng rất cần thiết trong quy trình vệ sinh răng miệng hằng ngày của mỗi người. Mỗi ngày cần phải dùng bàn chải đánh răng ít nhất là 2 lần vào mỗi buổi sáng và tối.
Có thể thấy việc sử dụng hằng ngày thì sẽ khó tránh khỏi tình trạng xuống cấp, mài mòn hay hư hỏng của bàn chải. Lúc này đầu lông bàn chải sẽ bị mòn xòe khiến cho hiệu quả làm sạch răng không được tốt như trước nữa. Thậm chí có thể gây khó chịu khi sử dụng.
Bên cạnh đó, việc đầu lông bàn chải bị xuống cấp sẽ khá xơ cứng. Điều này sẽ làm cho răng, nướu bị tổn thương một cách nghiêm trọng trong quá trình chải răng, dễ gây chảy máu chân răng, mòn men răng, tụt lợi,…
Không chỉ vậy, càng sử dụng lâu thì đầu lông bàn chải cũng sẽ tích tụ nhiều vi khuẩn hơn. Nếu sử dụng về lâu về dài có thể làm phát sinh nhiều căn bệnh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng cũng như sức khỏe toàn thân.
Do đó, bàn chải đánh răng luôn có một hạn sử dụng nhất định. Người dùng cần phải chú ý thay bàn chải mới thường xuyên để đảm bảo việc vệ sinh răng miệng đạt kết quả tốt nhất, đặc biệt khi bị ốm.
Nên thay bàn chải đánh răng thường xuyên để đảm bảo sức khỏe răng miệng. Ảnh minh họa
Theo tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Gary Liu, trường Cao đẳng Nha khoa Georgia thuộc Đại học Augusta, Mỹ, thay bàn chải đánh răng sau khi bị ốm rất quan trọng nhất là khi bạn đang đối phó với các bệnh nhiễm trùng như mụn rộp miệng, cúm, viêm họng liên cầu khuẩn và thậm chí là cảm lạnh thông thường.
Vi trùng có thể sống trên bàn chải đánh răng trong khoảng từ 24 giờ đến vài tuần, tùy thuộc vào loại bệnh hoặc vi khuẩn cụ thể. Ví dụ, virus cúm có thể tồn tại trên bàn chải đánh răng tới 3 ngày.
Tâm lý thông thường có thể khiến người dùng nghĩ sử dụng cùng một bàn chải đánh răng khi bị ốm sẽ khiến bệnh kéo dài hơn, nhưng điều đó thực sự không đúng.
Tiến sĩ Lauren Becker, nha sĩ tổng quát và thẩm mỹ (trường Cao đẳng Nha khoa Georgia) cho biết: “Hãy cẩn thận với tuýp kem đánh răng, đặc biệt nếu dùng chung tuýp kem đánh răng với các thành viên khác trong nhà. Nên sử dụng kem đánh răng riêng để tránh vi trùng truyền từ bàn chải đánh răng sang ống kem đánh răng”.
Tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Harvey Karp cho biết: “Phần lớn vi khuẩn sống trên bàn chải đánh răng sẽ chết khi có oxy. Do vậy, bàn chải đánh răng khô sẽ tiêu diệt được hầu hết vi khuẩn. Nếu đậy nắp bàn chải đánh răng, số lượng vi khuẩn có thể cao hơn so với khi để ngoài trời.
Nếu không muốn vứt bàn chải đánh răng đi có thể tự khử trùng bàn chải. Tiến sĩ, nha sĩ thẩm mỹ David Frank cho biết “bàn chải đánh răng có thể được ngâm trong nước súc miệng kháng khuẩn, dung dịch muối nở, dung dịch giấm cũng như chất tẩy rửa răng giả. Đừng đun sôi bất kỳ bàn chải đánh răng nào. Nếu là loại dùng điện, hãy tháo đầu ra khỏi đế trước khi khử trùng”.
Để làm sạch bàn chải đánh răng hàng ngày, nha sĩ Lauren Becker khuyên nên “xả bàn chải dưới vòi nước nóng, chà xát ngón tay cái dọc theo lông bàn chải và rửa lại bằng nước, sau đó luôn để bàn chải khô tự nhiên”.
Theo bác sĩ nhi khoa Gary Liu, Hiệp hội Nha khoa Mỹ đề nghị thay bàn chải đánh răng 3 tháng/lần do lông bàn chải bị mòn và tích tụ vi khuẩn theo thời gian. Tương tự cần thay đầu bàn chải đánh răng điện 3-4 tháng/lần. Tuy nhiên, nếu bị bệnh, bạn nên thay hoặc vệ sinh sớm hơn. Ngoài ra nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm để không làm tổn thương răng và nướu, đồng thời dễ dàng làm sạch.
Nếu cảm thấy việc thay bàn chải đánh răng sau khi bị ốm là không đủ, hãy cân nhắc việc nói chuyện với bác sĩ hoặc nha sĩ về các bước tiếp theo. Họ có thể kê toa thuốc sát trùng miệng và các sản phẩm khác để giữ cho bạn an toàn và khỏe mạnh.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/ly-do-nen-thay-ban-chai-danh-rang-sau-khi-bi-om-d209018.html