22 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngLưu ý quan trọng khi ăn rau sống để hạn chế bị...

    Lưu ý quan trọng khi ăn rau sống để hạn chế bị nhiễm ký sinh trùng

    Date:

    Related stories

    Rau sống là một món ăn rất thông dụng trong ẩm thực Việt Nam tuy nhiên, rau sống cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh nếu sử dụng không đúng cách.

    Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM cho biết, ăn rau sống với nguồn rau không chọn lọc cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự nạp vào bụng mình những tác nhân gây bệnh nguy hiểm như nhiễm ký sinh trùng. Nhất là rau sống tưới bón phân tươi, phân bắc chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định thì lại là món ăn mang theo mầm bệnh làm cho người ăn dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hoá, bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp và mạn tính.

    Còn theo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh, các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống như: giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ. Thậm chí, rau sống ở một số nơi còn có phẩy khuẩn tả và có thể dẫn đến tiêu chảy. Do đó khi ăn rau sống cần đặc biệt lưu ý:


    Ăn rau sống cần đặc biệt lưu ý để tránh nhiễm ký sinh trùng. Ảnh minh họa

    Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), rau quả tươi có nhiều nước, có men, có các chất dinh dưỡng, là môi trường thích hợp cho vi sinh vật phát triển và men dễ hoạt động, do đó, rau quả tươi là thực phẩm rất dễ bị hư hỏng. Đồng thời, rau quả tươi hiện nay có nguy cơ rất cao tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản.

    Đặc biệt, nhiều người thường ngâm rau sống trong dung dịch thuốc tím hoặc nước muối loãng đều không đảm bảo vệ sinh. Vì theo các nghiên cứu, trong môi trường nước muối loãng, thuốc tím không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh, lượng hoá chất bảo vệ thực vật bám trên rau giảm đi không đáng kể nếu không rửa lại nhiều lần. Như vậy nên áp dụng cách rửa rau sống bằng nước sạch nhiều lần rồi vớt rau, vẩy ráo trước khi ăn.

    Cách rửa truyền thống, đơn giản nhưng bảo đảm an toàn vệ sinh nhất vẫn là rửa rau xanh có lá to dưới vòi nước sạch, chảy mạnh, cẩn thận bóc tách và rửa từng cọng rau, lá rau, rửa bề mặt bên này rồi đến bề mặt bên kia một cách nhẹ nhàng, không nóng vội. Các loại rau có lá nhỏ thì phải rửa trong chậu với nước sạch nhiều lần. Quả tươi thì rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần.

    Phải bảo đảm nước dùng để rửa phải sạch, rửa dưới vòi nước chảy từ 3 nước trở lên, sau đó tùy vào từng loại rau ta áp dụng khác nhau. Nếu là cọng rau lá to như cải xanh, xà lách…, thì phải bẻ ra từng nhánh, từng lá, để dưới vòi nước chảy mạnh một lúc lâu cho sạch hết ký sinh trùng nếu có. Lật tiếp qua bề mặt kia rửa tương tự. Sau đó bỏ vào thau, rửa lại bình thường một hoặc hai nước. Nếu là rau cọng nhỏ như cải xoong, rau muống… thì để vào thau rồi đảo qua, đảo lại nhiều lần, ít nhất cũng phải thay 5, 6 nước như vậy.

    Bà Hoàng Thị Minh Thu, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, lựa chọn rau quả tươi cần chú ý hình dáng bên ngoài, đó là rau còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống. Ngoài ra, nên chọn loại rau có màu sắc tự nhiên, không úa, héo và không có mùi lạ.

    Rửa sạch dưới vòi nước nhiều lần nhưng muốn thật an toàn vẫn nên đun nấu chín, không ăn rau sống. Để hạn chế các mầm bệnh ban đầu từ rau sống, nên chọn rau sống tại các cửa hàng rau sạch có kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng để bảo đảm chất lượng và an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, nên hạn chế ăn rau sống tại các hàng quán bởi chúng có thể được rửa không sạch và không bảo đảm vệ sinh.

    Ngọc Nga (T/h)
    https://vietq.vn/luu-y-quan-trong-de-han-che-bi-nhiem-ky-sinh-trung-khi-an-rau-song-d208332.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img