Lò vi sóng rất thuận tiện tại các gia đình nhưng nếu cái gì cũng cho vào lò vi sóng thì sản phẩm này cũng có thể là vật dụng cực kỳ nguy hiểm.
Lò vi sóng, sau bao nhiêu năm cải tiến với nhiều công nghệ hiện đại được tích hợp, đã dần trở thành một vật dụng không thể thiếu trong gian bếp mỗi hộ gia đình. Một trong những chức năng chính của một chiếc lò vi sóng là hâm nóng thức ăn. Lò vi sóng có thể giúp bạn hâm nóng lại thức ăn trong một thời gian ngắn mà vẫn giữ được hương vị riêng, không sợ thức ăn bị mất nước, khô hay dính vào nhau.
Lò vi sóng có thể nấu đa số các loại thực phẩm tương tự như khi sử dụng bếp. Với chức năng này, người dùng có thể nấu xôi, cháo, mì,… và rất nhiều thực phẩm khác. Tất nhiên là tùy vào từng món mà ta sẽ điều chỉnh công suất và thời gian nấu cho phù hợp. Lưu ý rằng công suất càng cao thì nhiệt độ sẽ càng cao, thức ăn sẽ chín nhanh hơn, bạn nên cẩn thận khi điều chỉnh thời gian nấu sao cho thực phẩm không bị cháy, khét. Tuy nhiên không phải ai trong số chúng ta cũng biết cách khai thác tối đa các chức năng lò vi sóng. Thậm chí có nhiều người còn tận dụng mọi thứ để cho vào lò vi sóng gây ra những tác hại khó lường. Vậy đâu là những vật dụng, thực phẩm tuyệt đối không được cho vào lò vi sóng.
Lò vi sóng rất tiện lợi nhưng không phải cái gì cũng cho vào để hâm nóng. Ảnh minh họa
Không đưa đồ nhựa thông thường vào lò vi sóng
Các loại đồ sành, sứ, thủy tinh chịu nhiệt hay thậm chí là đồ nhựa đều có thể dùng trong lò vi sóng nhưng không phải loại hộp nhựa nào cũng an toàn. Nhựa cho lò vi sóng được sản xuất riêng với các đặc tính an toàn cho sức khỏe con người. Thông thường, khi mua đồ nhựa, các nhà sản xuất sẽ ghi chú loại mà bạn có thể sử dụng trong lò vi sóng hay không.
Trái cây, trứng có vỏ hay thực phẩm đóng hộp không cho vào lò
Các loại trái cây, trứng còn trong vỏ, hạt tiêu hay thực phẩm đóng hộp đều không nên cho vào lò vi sóng, chúng sẽ làm giảm chất lượng hoặc nổ (với trứng). Những thực phẩm có vỏ dày như khoai tây, táo, bí hay hạt dẻ phải được lột vỏ trước khi cho vào lò. Cần đập vỏ hoặc cắt những thức ăn có bọc kín hoặc thức ăn có lớp da dày, mở nắp hoặc gỡ nút chai trước khi nấu.
Không rã đông thịt cá bằng lò vi sóng
Nhiều người có thói quen rã đông một lượng lớn thực phẩm nhưng khi dùng lại không sử dụng hết lại đem cất vào ngăn đá tủ lạnh để bảo quản. Đây là hành động sai lầm vì thực phẩm sau khi được rã đông cần nấu ngay. Nếu bạn bỏ lại vào ngăn đá, vi khuẩn sẽ sinh sôi nhanh gấp nhiều lần và thực phẩm sau đó chế biến cũng không còn ngon nữa.
Để lò vi sóng trên nóc tủ lạnh hoặc lò nướng làm giảm tuổi thọ của thiết bị
Để tiết kiệm diện tích, nhiều gia đình hay đặt lò vi sóng trên nóc tủ lạnh, lò nướng hoặc để gần bếp. Việc này có thể làm giảm tuổi thọ của các thiết bị điện tử. Thêm đó, khi lò vi sóng gây cháy nổ, việc để gần các thiết bị điện khác hoặc bếp ga cũng gây mất an toàn hơn và khó xử lý hơn khi tình trạng xấu xảy ra.
Nguy hiểm khi đun nước trong lò vi sóng
Sử dụng lò vi sóng để đun sôi nước hay các chất lỏng vẫn là thói quen của nhiều người sử dụng nhưng nó nguy hiểm hơn bạn nghĩ. Thói quen này dẫn đến nhiều trường hợp gây bỏng và nguy hiểm đã xảy ra trong thực tế. Khi đun sôi các chất lỏng, đặc biệt là nước bằng lò vi sóng rất hay xảy ra tình trạng sôi sau. Đây là trạng thái khi đun sôi quá độ, nước bắn ra ngoài khi người dùng lấy cốc chất lỏng ra từ lò.
Không nên dùng đĩa hình chữ nhật
Thực ra đây không hẳn là sai lầm nhưng bạn nên sử dụng đĩa hình tròn hay hình oval thay cho đĩa hình chữ nhật hoặc hình vuông vì những đĩa này dễ gây ra cháy đồ ăn đặt ở góc.
Dùng túi nilon trực tiếp bao gói thực phẩm là không đúng cách
Trong quá trình rã đông hay nấu, tốt nhất là không để túi nilon dính trực tiếp vào thực phẩm mà phải để thực phẩm vào bát sau đó bọc kín bằng túi nilon hoặc đậy bằng đồ thủy tinh hoặc sành sứ lên miệng bát. Làm như vậy sẽ giữ kín được hơi, khiến việc gia nhiệt tản đều. Trước khi lấy thức ăn ra hãy chọc rách màng nilon bảo quản để khỏi dính vào thức ăn.
Tiệt trùng các loại khăn vải bằng lò vi sóng sẽ gây hỏa hoạn
Nếu đang có thói quen dùng lò vi sóng để sấy khô hoặc tiệt trùng các loại khăn tay, khăn trải bàn, lót cốc… bạn cần dừng ngay lại. Thói quen này có thể gây ra tình trạng cháy vải hoặc gây hỏa hoạn khi nhiệt độ quá cao.
Cần sử dụng lò vi sóng làm nóng nước sốt đúng cách
Khi cho nước sốt nấu trong lò vi sóng, sự giãn nở các phân tử nước nhưng lại không tạo bọt sẽ khiến nước sốt bắn tung tóe làm bẩn lò. Khi lấy ra ngoài còn có thể bắn trực tiếp vào người gây bỏng. Các loại thức ăn cần nước sốt như thịt gà, cá cũng nên hạn chế hâm nóng bằng lò vi sóng, nếu có hâm, phải bọc bằng màng bọc thực phẩm (loại sử dụng được trong lò vi sóng) mới được cho vào lò.
Bình thủy mini hay bình thủy cách nhiệt dễ làm hỏng lò vi sóng
Bình thủy mini, bình lưỡng tính, hay bình nóng lạnh làm bằng thép không gỉ sẽ ngăn hơi nóng của lò vi sóng tiếp xúc với chất lỏng bên trong, thậm chí có thể làm lò bị hỏng hóc. Nếu bình thủy làm bằng nhựa, bạn cần kiểm tra kĩ xem chất liệu có an toàn với lò vi sóng không.
Vật dụng bằng kim loại không cho vào lò vi sóng
Đồ kim loại là thứ cần tránh thật xa khỏi lò vi sóng. Bởi lẽ, sóng vi ba của lò vi sóng không xuyên qua được kim loại mà bị phản xạ lại vào thành lò, làm nóng xung quanh, dẫn tới cháy nổ, hư hỏng lò và ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người đứng xung quanh.
Hộp giấy cho vào lò vi sóng khác nào bỏ thêm độc vào thức ăn
Hộp giấy có chứa syrofom, vốn là một loại nhựa, nên rất độc hại khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong lò vi sóng. Vì vậy, bạn tránh hâm nóng cơm hộp trong lò trừ khi trên hộp giấy có đề là “an toàn khi dùng với lò vi sóng”.
Nho cho vào lò vi sóng sẽ cháy, dễ làm lò nổ tung
Có nhiều loại trái cây chịu được nhiệt độ cao, nhưng nho thì sẽ bốc cháy, nổ tung nếu bỏ vào lò vi sóng. Nho khô thì sẽ bắt lửa và bốc khói.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/lo-vi-song-rat-tien-loi-nhung-tuyet-doi-tranh-cho-nhung-thu-nay-vao-d195685.html