Lãng phí thực phẩm ngày càng gia tăng đến mức đáng báo động trên toàn cầu, gây ra ô nhiễm môi trường và hao hụt lương thực có sẵn.
Ngoài ô nhiễm môi trường do khói bụi, chất thải,… thì thực phẩm thừa cũng là một nguyên nhân đáng báo động. Theo Báo cáo Chỉ số Rác thải Thực phẩm năm 2021 của Liên Hợp Quốc, trung bình mỗi hộ gia đình tạo ra 74 kg thức ăn thừa mỗi năm. Điều này góp phần vào 931 triệu tấn chất thải thực phẩm mà thế giới tạo ra hàng năm – tương đương với 17% tổng lượng thực phẩm có sẵn cho người tiêu dùng vào năm 2019.
Báo cáo do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) thực hiện song song với Chương trình Hành động Tài nguyên & Chất thải (WRAP), một tổ chức từ thiện của Anh thực hiện. Nó đồng thời cũng là phân tích chất thải thực phẩm toàn diện nhất cho đến nay, được tổng hợp trên 54 quốc gia khác nhau. Đây là một phần của Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG), nhằm mục đích giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí trên bình quân đầu người ở cấp độ bán lẻ và người tiêu dùng.
Báo cáo Chỉ số Lãng phí Thực phẩm năm 2021 của Liên hợp quốc đã cảnh báo trung bình mỗi hộ gia đình lãng phí khoảng 74 kg thức ăn thừa mỗi năm.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng cách xử lý thức ăn thừa là một vấn đề cấp thiết của toàn cầu, chứ không chỉ riêng bất kỳ quốc gia nào. Rác thải thực phẩm có tác động đến môi trường đáng kể, với ước tính 8–10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Lãnh đạo của UNEP, bà Inger Andersen, cho biết: “Nếu chúng ta muốn nghiêm túc hóa việc giải quyết biến đổi khí hậu, tổn thất thiên nhiên và đa dạng sinh học, ô nhiễm và rác thải, các doanh nghiệp, chính phủ và công dân trên toàn thế giới đều phải thực hiện giảm lãng phí thực phẩm.
Giảm lãng phí thực phẩm sẽ cắt giảm phát thải khí nhà kính, làm chậm quá trình tàn phá thiên nhiên thông qua chuyển đổi đất và ô nhiễm, tăng cường sự sẵn có của thực phẩm và do đó giảm nạn đói và tiết kiệm tiền trong thời điểm suy thoái toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh các hệ thống lương thực của Liên hợp quốc năm nay sẽ tạo cơ hội để khởi động các hành động mới táo bạo hơn, nhằm giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm trên toàn cầu”.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bất kể ở mức thu nhập nào, mỗi quốc gia được kiểm tra cũng đều có mức lãng phí thực phẩm đáng kể, hầu hết đến từ các hộ gia đình.
Trong tổng số thực phẩm sẵn có ở khâu tiêu thụ của chuỗi cung ứng, 11% là dl các hộ gia đình thải bỏ, trong khi các dịch vụ ăn uống và cửa hàng bán lẻ lãng phí lần lượt là 5% và 2%. Ngoài ra, bình quân đầu người trên toàn cầu, tổng cộng 121 kg thực phẩm ở cấp độ người tiêu dùng bị lãng phí mỗi năm tại các gia đình, nhà hàng và cửa hàng.
Giám đốc điều hành WRAP, Marcus Gover cho biết: “Trong một thời gian dài, người ta cho rằng rác thải thực phẩm trong nhà là một vấn đề nghiêm trọng chỉ ở các nước phát triển. Với việc công bố báo cáo Chỉ số chất thải thực phẩm, chúng tôi thấy rằng mọi thứ không quá rõ ràng.
Chỉ còn 9 năm nữa, chúng tôi sẽ không đạt được Mục tiêu 3 của SDG 12 nếu không tăng cường đầu tư đáng kể vào việc giải quyết rác thải thực phẩm trong gia đình trên toàn cầu. Đây phải là ưu tiên của các chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện”.
Trên toàn cầu, tổng cộng 121kg thực phẩm ở cấp độ người tiêu dùng bị lãng phí mỗi năm bởi các gia đình, nhà hàng và cửa hàng.
Báo cáo đã xem xét tất cả rác thải thực phẩm đến từ gia đình, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ, bao gồ cả thức ăn thừa và các bộ phận không thể ăn được như xương và vỏ.
Dựa trên kết quả của báo cáo, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đang thành lập các nhóm công tác khu vực để giúp các quốc gia cải thiện khả năng đo lường mức chất thải thực phẩm vào năm 2022 và theo dõi tốt hơn tiến độ hướng tới mục tiêu năm 2030.
Trong khi đó, tại Anh, WRAP đã khởi động Tuần lễ hành động về chất thải thực phẩm quốc gia đầu tiên, nhằm mục đích giáo dục mọi người rằng chất thải thực phẩm gây ra biến đổi khí hậu.
Hương Giang (theo: dailymail)
http://vietq.vn/thuc-trang-lang-phi-thuc-pham-tren-toan-cau-o-muc-dang-bao-dong-d184467.html