27 C
Hanoi
Thứ Hai, Tháng 4 21, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngLàm gì khi sử dụng phải thuốc giả: Khuyến cáo từ chuyên...

    Làm gì khi sử dụng phải thuốc giả: Khuyến cáo từ chuyên gia

    Date:

    Related stories

    Người bệnh nếu phát hiện uống phải thuốc giả cần ngưng dùng ngay, giữ lại bao bì thuốc và đến bệnh viện khám để phát hiện sớm bất thường về sức khỏe nếu có.

    Trước thông tin Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả; thu giữ các nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ sản xuất thuốc giả, nhiều người dân không khỏi lo lắng không biết mình có sử dụng phải thuốc giả hay không.

    Ông Nguyễn Văn Thạnh (65 tuổi, ngụ Thành phố Thủ Đức) lo lắng: “Tôi bị cao huyết áp hơn 5 năm nay, ngày nào cũng uống thuốc. Nghe tin về đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc giả hôm bữa mà lạnh cả sống lưng. Giờ lỡ mình đang uống nhầm thuốc chữa bệnh giả mà không biết thì sao nhỉ?”.

    Trên các mạng xã hội, nhiều người cũng bày tỏ hoang mang, đăng hình ảnh thuốc đang sử dụng, hỏi nhau cách phân biệt thật – giả. Có người nghi hoặc “hộp thuốc mới mua nhưng màu sắc hơi nhạt”, “viên thuốc có mùi lạ”… Không ít bình luận bất an vì “không còn biết tin vào đâu khi thuốc thật, thuốc giả lẫn lộn ”.

    Không chỉ người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng tỏ ra bối rối. “Ngày nào cũng đọc tin nhưng chỉ thấy nói thuốc giả bị thu giữ chứ không biết đó là loại gì trong khi nhà tôi đang có ba người phải uống thuốc mỗi ngày. Thật giả lẫn lộn, biết tin vào đâu?”, chị Hồ Ngọc Ánh (ngụ quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.


    Khi vô tình sử dụng thuốc nằm trong danh sách cảnh báo là hàng giả, hãy giữ bình tĩnh, xử lý kịp thời để giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe. (Ảnh minh hoạ).

    Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng cho hay, nếu đã uống phải thuốc giả, mọi người nên ngừng ngay việc sử dụng thuốc. Dù chỉ uống một liều hay nhiều liều, việc tiếp tục sử dụng có thể khiến tình trạng sức khỏe xấu đi. Người bệnh cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tư vấn. Việc khai báo cụ thể loại thuốc đã dùng, liều lượng và thời gian sử dụng sẽ hỗ trợ quá trình xử lý và theo dõi.

    Cũng theo bác sĩ Hoàng, người bệnh cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường như đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, dị ứng… và ghi lại diễn biến triệu chứng để cung cấp cho nhân viên y tế. Không vứt bỏ bao bì thuốc, vì đây là bằng chứng quan trọng giúp xác định nguồn gốc và thành phần thuốc giả.

    Người bệnh cũng nên báo cáo với cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương về thuốc giả để bảo vệ bản thân và góp phần ngăn chặn mối nguy hiểm cho cộng đồng.

    Để tránh mua phải thuốc giả, chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh nên tìm hiểu tên sản phẩm, bảo đảm không nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng (tác dụng hỗ trợ sức khỏe) và thuốc (tác dụng điều trị bệnh). Đọc kỹ nhãn hay bao bì sản phẩm, tìm hiểu thông tin về thành phần, hoạt chất chính, hàm lượng có đủ khuyến nghị hằng ngày cho cơ thể không. Tìm hiểu các thành phần phụ bao gồm chất bảo quản, hương liệu, màu thực phẩm, thành phần gây dị ứng hoặc chất độc hại.

    Tìm hiểu liều lượng và hướng dẫn sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, ghi trên nhãn hoặc phiếu công bố chất lượng thường kèm trong hộp sản phẩm. Không tự ý tăng liều uống để tránh ngộ độc. Trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền cần tham vấn bác sĩ nếu muốn dùng thuốc.

    Kiểm tra thông tin về nhà sản xuất, giấy chứng nhận đạt các tiêu chuẩn như GMP, ISO, HACCP, hoặc có được Bộ Y tế cấp phép hay không. Có thể kiểm tra mã vạch, mã QR để xác minh thông tin sản phẩm. Kiểm tra hạn sử dụng thuốc, tránh mua sản phẩm gần hết hạn hoặc bao bì bị hỏng.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/lam-gi-khi-su-dung-phai-thuoc-gia-khuyen-cao-tu-chuyen-gia-d232479.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img