Theo các bác sĩ, việc lạm dụng thuốc kháng sinh sai cách có thể gây ra nhiều hệ lụy, trong đó phải kể tới nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Với nhiều bệnh nhiễm trùng thì kháng sinh là loại thuốc không thể thiếu trong quá trình điều trị. Nếu dùng đúng loại kháng sinh và đúng liều lượng thì bệnh sẽ sớm khỏi. Nhưng nếu dùng sai cách, lạm dụng thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe.

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ), lạm dụng kháng sinh có thể khiến nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại. Nhiễm trùng đường tiết niệu là căn bệnh rất phổ biến. Tác nhân chủ yếu gây bệnh là do vi khuẩn Escherichia coli (E. Coli) gây ra.

E. Coli là loại vi khuẩn có nhiều trong đường ruột. Nếu xâm nhập vào đường tiết niệu, chúng có thể sinh sôi và gây nhiễm trùng. Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu là tiểu buốt, đi tiểu thường xuyên, đau bụng dưới và đau hông. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể khiến tiểu ra máu và sốt.

Khi dùng đúng loại và liều lượng thì kháng sinh sẽ điều trị hiệu quả nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hoặc dùng sai cách thì kháng sinh sẽ gây một số tác dụng phụ với sức khỏe.

Kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Khi uống vào cơ thể, thuốc tiêu diệt vi khuẩn E. Coli gây bệnh trong đường tiết niệu nhưng đồng thời cũng làm hại vi khuẩn có lợi trong ruột.

Vi khuẩn có lợi trong ruột sụt giảm sẽ khiến vi khuẩn có hại, trong đó có E. Coli, phát triển mạnh hơn. Sau đó, E. Coli trong ruột có thể xâm nhập vào đường tiết niệu khi chúng ta đi vệ sinh và lau rửa không cẩn thận. Nhiễm trùng đường tiết niệu lại uống kháng sinh và tiếp tục vòng luẩn quẩn này.


Lạm dụng thuốc kháng sinh không đúng cách có thể gây viêm nhiễm đường tiết niệu. Ảnh minh họa

Một nghiên cứu trên chuyên san Nature Microbiology vào năm 2022 đã chứng minh tác động của kháng sinh. Những người bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại có hệ vi khuẩn đường ruột kém hơn và lợi khuẩn cũng thấp hơn đáng kể so với người khỏe mạnh. Không những vậy, lạm dụng kháng sinh còn có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc và làm các bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn trong tương lai.

Các nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường tiết niệu là vệ sinh kém sau khi đi tiểu, giữ nước tiểu trong bàng quang quá lâu và uống quá ít nước. Để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, ngoài thực hiện tốt vệ sinh và hạn chế nín tiểu lâu thì uống đủ nước là rất quan trọng.

Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Mỹ khuyến cáo mọi người nên uống ít nhất 2 lít nước/ngày. Nếu thời tiết nóng bức hay tập luyện thể thao thì cần uống nhiều hơn.

Các nghiên cứu cũng cho thấy uống nước ép nam việt quất sẽ giúp giảm nguy nguy tái phát nhiễm trùng đường tiết niệu. Lợi ích này có được là do các dưỡng chất trong nước ép có khả năng ngăn vi khuẩn bám vào mô đường tiết niệu, nhờ đó giảm nguy cơ tái nhiễm, theo Healthline.

Tại Việt Nam, mới đây Bệnh viện Medllatex đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân là chị D. (36 tuổi, ở Hà Nội) đột nhiên sốt cao 40 độ C, kèm theo biểu hiện đau quặn bụng mạn sườn phải, tiểu buốt, tiểu rát, ăn uống kém, đại tiện phân nát.

Tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết, siêu âm ổ bụng và chụp CT hệ tiết niệu. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số nhiễm khuẩn của bệnh nhân tăng cao, đồng thời, hình ảnh CT phát hiện dịch tụ quanh thận, nhu mô thận phải không đều, đặc biệt vùng sau bể thận. Bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc viêm thận bể thận cấp tính, cần lập tức nhập viện điều trị nội trú.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Chí Cương, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện đa khoa Medlatec nhận định đây là ca bệnh phức tạp, quá trình điều trị cần rất thận trọng. Bệnh nhân cho biết trước đó đã từng viêm đường tiết niệu và tự ý dùng kháng sinh điều trị nhiều lần. Tuy nhiên, quá trình điều trị không có sự hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân dùng thuốc không đúng cách, khiến tình trạng nhiễm trùng tái đi tái lại nhiều lần.

Từ trường hợp của bệnh nhân T., bác sĩ đưa ra cảnh báo “đỏ” đến tất cả người dân: Khi có dấu hiệu viêm nhiễm đường tiết niệu, tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh bừa bãi. Điều này có thể dẫn đến việc bệnh không khỏi dứt điểm và gây ra tình trạng kháng kháng sinh khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Chí Cương cho biết thêm, bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau: Áp xe thận và vùng chung quanh thận. Áp xe là hiện tượng xuất hiện ổ mủ quanh thận, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết. Người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn huyết, là tình trạng vi khuẩn lan vào trong máu khiến nhiễm trùng toàn thân nặng, có thể gây ra tình trạng sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hoại tử nhú thận cũng là nguy cơ biến chứng của viêm cầu thận. Nhú thận là nơi nước tiểu chảy vào niệu quản, khi hoại tử, nhú thận bong ra và theo nước tiểu gây nên tình trạng tắc nghẽn ở niệu quản hoặc niệu đạo. Từ đó, người bệnh có nguy cơ suy thận cấp do ứ mủ bể thận.

Suy thận cấp là biến chứng nguy hiểm của viêm thận bể thận cấp, gây ra tình trạng tăng huyết áp cấp, phù phổi cấp và đe dọa nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng viêm thận bể thận cấp bị kháng kháng sinh và tái viêm thường xuyên có thể dẫn đến viêm thận bể thận mạn, suy thận mạn. Lúc này việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và tốn kém hơn cho người bệnh.

Ngọc Nga (T/h)

https://vietq.vn/lam-dung-thuoc-khang-sinh-co-the-khien-nhiem-trung-duong-tiet-nieu-d214344.html