Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc sử dụng điện thoại thông minh cũng như các thiết bị điện tử trong thời gian dài ngoài việc gây cận thị thì còn có thể gây thêm chứng lác mắt.
Mắt lác, hay còn gọi là mắt lé, là tình trạng lệch trục mắt khiến hai mắt không thể cùng lúc nhìn về một hướng. Đây là một rối loạn thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Theo thống kê, khoảng 4% trẻ sinh ra đã bị lác bẩm sinh. Tuy nhiên, bệnh rất khó được chẩn đoán chính xác trước khi trẻ đủ 3 tháng tuổi.
Không chỉ trẻ em, người lớn cũng có thể bị lác mắt, đặc biệt là những người có tiền sử tiểu đường, đột quỵ hoặc từng chấn thương vùng mắt. Những năm gần đây, số ca mắc lác mắt trên thế giới có xu hướng tăng lên rõ rệt, chủ yếu là lác cấp tính, không phải do bẩm sinh. Một nguyên nhân đáng lo ngại là thói quen sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, đặc biệt ở khoảng cách gần và trong tư thế không phù hợp.
Theo dõi thực tế cho thấy, nguy cơ mắc tật lác mắt tăng cao ở những người thường xuyên vừa nằm vừa dùng điện thoại, để màn hình quá gần mặt và liên tục thay đổi tiêu điểm khi nhìn. Giáo sư Kyoko Ono, chuyên gia nhãn khoa tại Bệnh viện Đại học Y và Nha khoa Tokyo, cảnh báo việc dán mắt vào màn hình ở cự ly gần có thể gây kích thích mạnh cho mắt và ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng điều tiết.
Dùng điện thoại nhiều có thể khiến mắt lác, cận thị. Ảnh minh họa
Giáo sư Miho Sato, chuyên ngành nhãn khoa tại Đại học Y Hamamatsu (Nhật Bản), cho biết lác mắt ở trẻ có thể cải thiện nếu thay đổi thói quen sử dụng thiết bị điện tử, như giữ khoảng cách an toàn và giảm thời gian tiếp xúc. Tuy nhiên, nếu bệnh đã tiến triển, việc can thiệp chỉ hiệu quả ở giai đoạn nhẹ nên phòng ngừa vẫn là giải pháp quan trọng nhất.
Một khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy từ năm 2018 đến 2022, thời gian sử dụng thiết bị điện tử trung bình mỗi ngày ở học sinh tăng mạnh: tiểu học từ 118 lên 214 phút; trung học cơ sở từ 164 lên 277 phút; trung học phổ thông từ 217 lên 345 phút.
Tình trạng lác mắt do điều tiết (tạm thời) cũng được ghi nhận trong nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc). Nghiên cứu thực hiện trên 12 trẻ từ 7–16 tuổi, sử dụng điện thoại từ 4–8 giờ mỗi ngày ở khoảng cách 20–30cm, cho thấy một số trẻ xuất hiện độ lác rõ rệt do mắt điều tiết liên tục, kéo dài với cường độ cao.
Ngoài ra, ánh sáng xanh phát ra từ thiết bị điện tử cũng có thể gây hại lâu dài. Các nghiên cứu chỉ ra ánh sáng xanh làm tăng nguy cơ thoái hóa hoàng điểm – bệnh lý có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Đồng thời, ánh sáng này còn ức chế sản xuất melatonin, gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng – chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (thành phố Hồ Chí Minh) khuyến cáo, theo thống kê, có tới 3 triệu người Việt Nam mắc bệnh lác mắt. Bệnh ảnh hưởng đến thị lực và cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân khi 2 mắt không thể nhìn chung một hướng. Cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh này.
Vì vậy nên hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, đảm bảo đủ ánh sáng khi dùng, giữ khoảng cách hợp lý với mắt. Người sử dụng nên ngồi đúng tư thế, nghỉ ngơi định kỳ để mắt được thư giãn. Với người lớn tuổi, cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu để hạn chế nguy cơ lác do biến chứng tiểu đường. Đồng thời, nên duy trì chế độ ăn giàu dưỡng chất tốt cho mắt như omega-3, vitamin A, C và các chất chống oxy hóa có trong cá hồi, khoai lang, cà rốt, bông cải xanh, hạt hướng dương…
Cuối cùng, để bảo vệ thị lực, người dân cần từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia, cà phê quá mức – những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tổn thương mắt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thị giác.
Tiêu chuẩn TCVN 13729:2023 về đánh giá thiết bị điện và điện tử liên quan đến giới hạn phơi nhiễm lên người trong trường điện từ
Tiêu chuẩn TCVN 13729:2023 quy định phương pháp đánh giá thiết bị điện và điện tử về mức độ phơi nhiễm trường điện từ lên cơ thể người, đảm bảo thiết bị không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người sử dụng trong quá trình vận hành và tiếp xúc hàng ngày.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các thiết bị điện và điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng, thiết bị công nghiệp và thương mại phát ra trường điện từ trong dải tần từ 0 Hz đến 300 GHz. Đây là phạm vi bao phủ hầu hết các nguồn phát như điện thoại di động, thiết bị phát Wi-Fi, lò vi sóng, máy biến áp, các thiết bị y tế và hệ thống điện cao áp.
TCVN 13729:2023 đưa ra giới hạn phơi nhiễm cho phép dựa trên các hướng dẫn của Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ Bức xạ Không Ion hóa (ICNIRP), bao gồm: Mật độ công suất (W/m²); Tỷ lệ hấp thụ riêng (SAR – W/kg); Cường độ trường điện và từ.
Tiêu chuẩn cũng nêu rõ các phương pháp đo lường, thiết lập mô hình thử nghiệm và điều kiện thử, giúp đánh giá chính xác mức độ phát xạ của thiết bị trong các tình huống thực tế. Ngoài ra, các yêu cầu về vị trí đo, đặc tính mô phỏng mô người và điều kiện môi trường cũng được quy định cụ thể nhằm đảm bảo kết quả đánh giá khách quan, nhất quán.
Việc tuân thủ TCVN 13729:2023 không chỉ giúp nhà sản xuất đảm bảo an toàn cho người dùng mà còn là cơ sở để sản phẩm đạt chứng nhận lưu hành, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ đi đôi với bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Theo An Dương (T/h)
https://vietq.vn/lam-dung-thiet-bi-dien-tu-dang-khien-tinh-trang-mat-lac-gia-tang-dac-biet-o-tre-nho-d235000.html