25 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngLạm dụng nước thanh nhiệt ngày hè có thể gây hại cho...

    Lạm dụng nước thanh nhiệt ngày hè có thể gây hại cho sức khỏe

    Date:

    Related stories

    Theo y học cổ truyền, vào mùa hè nhiều người thường sử dụng nước thanh nhiệt để giải nhiệt tuy nhiên cần tránh lạm dụng vì dễ gây tác dụng phụ.

    Theo quan niệm của y học cổ truyền, “nhiệt” là một trong những nguyên nhân gây bệnh thường gặp, nhiệt nặng hơn được gọi là “hỏa”. Nhiệt được tạo nên từ nhiều nguồn từ ngoài xâm nhập vào cơ thể mà hóa sinh, đặc biệt là hai nhân tố thử và thấp thường gặp vào mùa hè. Tính chất của nhiệt là nóng bức, dễ gây hao tổn tân dịch và hình thể.

    Tùy theo vị trí tác động mà nhiệt tạo nên các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau: nhiệt tích ở da (bì phu) gây mụn nhọt, lở loét; nhiệt tích ở đường hô hấp (phế tạng) gây đau họng, viêm khí phế quản, viêm phổi…, nhiệt tích ở đường tiêu hóa (tỳ, vị, đại tràng) gây tưa lưỡi, loét miệng, viêm dạ dày, loét hành tá tràng, táo bón, trĩ hạ…

    Theo dân gian, những cây cỏ như nước trà xanh, nước nụ vối, nước nhân trần, nước la hán, nước chó đẻ răng cưa, nước rau má, nước chè vằng, nước mía, nước cỏ ngọt, nước râu ngô, nước cúc hoa, nước hoa hòe, nước dứa, nước mạch môn, nước đậu đen sao cháy, nước khổ qua, nước bí đao… là thức uống bổ dưỡng trong mùa hè, rất tốt cho người có thể chất “thiên nhiệt”.


    Tránh lạm dụng nước thanh nhiệt để giải nhiệt cơ thể vào mùa hè. Ảnh minh họa

    Nhiều người có thể dùng độc vị hoặc có thể dùng một vài vị phối hợp với nhau để tạo nên những thứ nước giải khát thơm ngon, dễ uống và làm tăng hiệu quả thanh nhiệt, giải độc, mát gan như hoa hòe với cúc hoa, đậu đen với mạch môn, nụ vối với la hán, râu ngô với quả dứa dại…, thậm chí có thể phối hợp khá nhiều vị với nhau để tạo nên các loại trà tam bảo, ngũ bảo, bát bảo.

    Theo nghiên cứu hiện đại, các cây cỏ này đều có tác dụng giải nhiệt, kháng khuẩn, tiêu viêm ở các mức độ khác nhau. Mỗi loại có các tác dụng riêng biệt. Tuy nhiên, dù là thực phẩm đi nữa khi sử dụng các loại nước giải khát, thanh nhiệt này cũng cần phải đặc biệt lưu ý.

    Trước hết, liều lượng cần vừa phải, tránh lạm dụng, đặc biệt với trẻ em, người già, những người tỳ vị hư yếu dễ bị lạnh bụng, đi lỏng. Nếu có dùng cam thảo để tạo nên vị ngọt, dễ uống thì tuyệt đối không dùng quá nhiều. Sau khi ăn có nhiều đồ sống lạnh nên giảm lượng các loại nước uống này để tránh gây rối loạn tiêu hóa.

    Khi chọn mua các cây cỏ này ở dạng khô phải tránh thứ bị ẩm mốc và để quá lâu. Tốt nhất nên mua đồ tươi về nấu nước uống hoặc phơi sấy khô, bảo quản cẩn thận để dùng dần.

    Thông tin thêm về vấn đề này, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y TP Hà Nội) cho biết, không nên lạm dụng nước uống thanh nhiệt càng không nên sử dụng liên tục mà phải sử dụng luân phiên. Đặc biệt, không nên uống các loại nước trên thay nước lọc hàng ngày.

    Chẳng hạn, đậu đen giàu chất xơ, chất chống ôxy hóa, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mỡ máu cao, phòng ngừa đột quỵ. Vào mùa hè nắng nóng, dùng chè đậu đen là rất thích hợp trong việc giải nhiệt. Tuy nhiên, không nên ăn chè đậu đen quá ngọt và ăn liên tục trong một vài ngày để tránh bị lạnh bụng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

    Tương tự, atisô có tính mát, có tác dụng nhuận gan, lợi mật và để phục hồi nhu mô gan nên được dùng để giải độc cho cơ thể. Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng cũng có thể dùng atisô. Tuy nhiên, loại nước uống này chỉ có lợi khi được uống với mức vừa phải, uống quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe.

    Lương y Vũ Quốc Trung cho biết thêm, do atisô có tác dụng hỗ trợ tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột nên trường hợp lạm dụng uống quá nhiều atisô (khoảng hơn 2 lít/ngày) sẽ gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa khiến người dùng bị đầy hơi, chướng bụng. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục và kéo dài thì rất nguy hại đến dạ dày của người dùng.

    Hay gạo lứt chứa rất nhiều vitamin nhóm B, E, magiê, sắt và chất xơ. Chất xơ trong gạo lứt có tác dụng chống táo bón, nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, một số lứa tuổi như trẻ em, người thể trạng yếu, gầy gò, đang trong thời kỳ mang thai, không nên sử dụng gạo lứt thường xuyên để tránh gây hại cho sức khỏe.

    Vì vậy, để giải nhiệt trong mùa hè nóng bức nên thường xuyên ăn các loại rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt và kết hợp uống nhiều nước. Rau xanh cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất quan trọng như protein, các vitamin bảo vệ cơ thể, các chất khoáng vi lượng… Các loại nước hoa quả như nước dừa, nước ép dưa hấu, cam, trà xanh, rau má không chỉ giúp giải nhiệt mà còn cung cấp nhiều vitamin tốt cho cơ thể.

    Đối với những người hay bị nóng trong, hay bị táo bón, suy nhược thần kinh, thường ra mồ hôi trộm, dễ bị rôm sảy, mụn nhọt… thì không nên ăn các món ăn có tính nhiệt, nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ, nướng, mà nên dùng các thực phẩm có tính mát như đậu xanh, đậu đen, rau má, rau mồng tơi, bí đao, súp lơ, cà chua, dưa leo, nghêu, sò, ốc, hến, tôm nước ngọt, cua đồng…

    An Dương (T/h)

    http://vietq.vn/lam-dung-nuoc-thanh-nhiet-ngay-he-co-the-gay-hai-cho-suc-khoe-d177984.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img