Vật liệu từ bã mía có thể tạo nên một loại “siêu khẩu trang” kháng virus, lọc được các giọt chứa virus nhỏ hơn 100 nanomet trong điều kiện bình thường.
Các nhà khoa học Australia vừa phát triển một loại vật liệu mới có nguồn gốc từ bã mía để làm khẩu trang với tác dụng kháng virus hiệu quả. Khẩu trang được làm bằng loại vật liệu mới này không chỉ lọc được các hạt virus nhỏ hơn 100 nanomet mà còn dễ thở hơn so với khẩu trang y tế.
Theo Tiến sĩ Thomas Rainey (Đại học Công nghệ Queensland, Australia), ban đầu, các nhà khoa học chỉ dự định dùng bã mía làm vật liệu sản xuất nên loại khẩu trang có khả năng tự phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau đó, do nhu cầu thực tế về các loại khẩu trang kháng khuẩn, kháng virus, nhóm đã xúc tiến thêm việc nghiên cứu về vật liệu mới có nguồn gốc từ bã mía có khả năng loại bỏ hạt và giọt nhỏ chứa virus.
“Chúng tôi đã phát triển và thử nghiệm vật liệu sợi nano rất dễ thở có thể loại bỏ các hạt nhỏ hơn 100 nanomet, tương đương kích thước virus. Tôi đã thấy nhiều người đeo khẩu trang chưa được thử nghiệm về khả năng kháng virus. Chúng tôi đã kiểm tra vật liệu này kỹ lưỡng và nhận thấy nó hiệu quả hơn khẩu trang thương mại sẵn có, xét về khả năng lọc các hạt siêu nhỏ như virus”, Tiến sĩ Rainey cho hay.
Cũng theo Tiến sĩ Rainey, khẩu trang làm từ vật liệu mới dễ thở, giúp người đeo thoải mái và bớt mệt mỏi hơn. Đây là yếu tố quan trọng cần tính đến đối với người phải đeo khẩu trang trong thời gian dài hoặc mắc bệnh nền về hô hấp. “Thử nghiệm của chúng tôi cho thấy vật liệu mới dễ thở hơn cả khẩu trang y tế”, tiến sĩ Rainey chia sẻ.
Tiến sĩ Rainey cầm trên tay vật liệu khẩu trang mới. Ảnh: Phys.org
Nhóm nghiên cứu cho biết, vật liệu mới có thể được sử dụng màng lọc trong khẩu trang. Do có chi phí khá rẻ nên loại vật liệu này rất phù hợp để dùng trong một lần. Vật liệu mới sẽ có thành phần sợi nano cellulose làm từ nguyên liệu thực vật bỏ đi như bã mía và những chất thải nông nghiệp khác nên có thể phân hủy sinh học. Việc sản xuất sợi này đòi hỏi trang thiết bị tương đối đơn giản nên có thể nhanh chóng sản xuất số lượng lớn. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm các đối tác công nghiệp để sản xuất vật liệu.
Trước đó, cũng trong nỗ lực tạo nên loại khẩu trang có tác dụng kháng virus, các nhà nghiên cứu thuộc Tập đoàn sản xuất linh kiện máy bay Aero EngineAECC đã phát triển thành công một loại “siêu khẩu trang” có màng lọc chính được làm từ graphene.
Theo tập đoàn này, các nhà nghiên cứu của họ đã đưa chất liệu graphene-polypropylen (polypropylen là nhựa polyme cộng nhiệt dẻo) lên vải không dệt melt-blown (có khả năng lọc khí, lọc vi khuẩn, bụi bẩn và không thấm nước) để tạo thành lớp lọc chính của khẩu trang.
Khi được ứng dụng vật liệu graphene, khẩu trang sẽ có đặc tính kháng khuẩn mạnh hơn và tăng độ bền. Ngoài ra, loại khẩu trang mới này cũng tận dụng hiệu ứng dao nano (nanoknife) của graphene để phá hủy thành tế bào của vi khuẩn. So với loại vải không dệt được sử dụng trong các loại khẩu trang hiện hành, lớp lọc graphene-polypropylen cũng giúp người sử dụng hít thở dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, loại khẩu trang mới này có thời gian sử dụng hơn 48 giờ, lâu hơn nhiều so với các mẫu khẩu trang thông thường.
AECC nhấn mạnh, graphene cùng các dẫn xuất của vật liệu này có nhiều ưu điểm, bao gồm khả năng kháng khuẩn và kháng virus cao, khả năng tương thích sinh học tốt hơn, trong khi các yêu cầu công nghệ lại khá đơn giản.
Bảo Lâm (Theo Phys.org)
http://vietq.vn/ky-la-loai-sieu-khau-trang-khang-virus-lam-tu-ba-mia-d172855.html