Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố một báo cáo nhấn mạnh từ nay đến năm 2030, 24 triệu việc làm sẽ được tạo ra trên toàn thế giới nếu các chính phủ thực hiện chính sách thúc đẩy một nền kinh tế thân thiện hơn với môi trường, hay nói cách khác “nền kinh tế xanh”.

Báo cáo của ILO, mang tên “Việc làm và các vấn đề xã hội trên thế giới năm 2018: Một nền kinh tế xanh và tạo công ăn việc làm”, cho biết những hành động nhằm kiềm chế sự tăng nhiệt trên toàn cầu dưới 2 độ C sẽ dẫn đến việc tạo đủ việc làm để bù đắp cho 6 triệu việc làm bị cắt giảm ở những khu vực khác. Việc làm mới sẽ được tạo ra thông qua việc áp dụng các thông lệ bền vững trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả việc thay đổi cơ cấu năng lượng, thúc đẩy việc sử dụng xe điện và nâng cao hiệu quả năng lượng của các tòa nhà.

Các dịch vụ hệ sinh thái – bao gồm thanh lọc không khí và nước, cải tạo và bón phân cho đất, kiểm soát dịch hại cũng như các công việc thụ phấn và bảo vệ động thực vật chống lại điều kiện thời tiết khắc nghiệt – đóng góp (cùng với những công việc khác) vào việc bảo tồn nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp và du lịch, sử dụng 1,2 tỷ người lao động.

Nền kinh tế xanh có thể cho phép thêm hàng triệu người vượt qua đói nghèo và mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên sự gia tăng nhiệt độ dự kiến sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Báo cáo tính toán hiện tượng này sẽ làm giảm 2% số giờ làm việc từ nay đến năm 2030.

Phó Tổng Giám đốc ILO, Deborah Greenfield cho biết các kết luận của báo cáo nhấn mạnh rằng việc làm phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng môi trường và các dịch vụ được cung cấp. Nền kinh tế xanh có thể cho phép thêm hàng triệu người vượt qua đói nghèo và mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ này và các thế hệ sau”.

Ở cấp độ khu vực, việc làm sẽ được tạo ra tại châu Mỹ, châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu, với số lượng việc làm lần lượt lên tới 3 triệu, 14 triệu và 2 triệu việc làm, nhờ các biện pháp được thực hiện trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, có thể có những việc làm bị cắt giảm tại Trung Đông (-0,48%) và châu Phi (-0,04%) nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp tục.

Báo cáo kêu gọi các quốc gia phải hành động khẩn cấp để đào tạo người lao động có các kỹ năng đáp ứng được sự chuyển đổi sinh thái của nền kinh tế cũng như hành động để cung cấp bảo trợ xã hội nhằm tạo điều kiện cho người lao động chuyển đổi sang công việc mới, góp phần vào công tác phòng chống nghèo đói và giảm sự tổn thương của các hộ gia đình và cộng đồng.

Chuyên gia Catherine Saget, tác giả chính của báo cáo, cho rằng thay đổi chính sách ở các khu vực như Trung Đông hay châu Phi sẽ có thể bù đắp những mất mát về việc làm được dự kiến và giảm tác động tiêu cực của vấn đề. Các quốc gia có thu nhập thấp và một số nước thu nhập trung bình vẫn cần sự giúp đỡ để phát triển việc thu thập dữ liệu, áp dụng và cấp vốn cho các chiến lược nhằm chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững về mặt môi trường và một xã hội chú trọng tới từng cá nhân, ở mọi tầng lớp xã hội.

Nếu các biện pháp được thực hiện nhằm chống biến đổi khí hậu đôi khi có thể dẫn đến thực tế cắt giảm việc làm trong ngắn hạn, các chính sách thích hợp sẽ giúp làm giảm tác động tiêu cực của vấn đề cắt giảm việc làm trong ngắn hạn nêu trên.

Báo cáo kêu gọi sự phối hợp giữa các chính sách môi trường và các chính sách bảo trợ xã hội, những yếu tố sẽ hỗ trợ cả thu nhập của người lao động và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Theo TTXVN