Khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính doanh nghiệp không chỉ tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà việc làm này còn mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Vương quốc Anh năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.
Các quy định liên quan đến phát thải khí nhà kính
Ngoài Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để thực hiện cam kết tại COP26, vào tháng 01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, bao gồm cả việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính…
Các quy định trên đã tạo nền tảng quan trọng cho kế hoạch thực thi Net zero của Việt Nam, bao gồm quy định các lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thêm nữa, Chính phủ cũng sẽ tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước, qua đó các doanh nghiệp có thể trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để đạt được hạn ngạch phát thải của mình.
Trước đó, ngày 16/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trong đó có yêu cầu về lập Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty, bao gồm tổng mức phát thải khí nhà kính (gián tiếp và trực tiếp) cùng các sáng kiến, biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đây được xem là một bước tiến rất quan trọng trong việc luật hóa yêu cầu công bố Báo cáo môi trường, xã hội và quản trị, sau một thời gian dài doanh nghiệp báo cáo theo hình thức tự nguyện.
Như vậy, ngoài yêu cầu từ cơ quan quản lý Nhà nước, việc giảm phát thải trong quá trình hoạt động với các doanh nghiệp còn là đòi hỏi từ chính thị trường, người tiêu dùng, đối tác và cổ đông.
Cơ hội cho doanh nghiệp khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Trên thực tế, thực hiện kiểm kê khí nhà kính còn mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích cụ thể như:
- Kiểm kê khí nhà kính giúp doanh nghiệp hiểu rõ hoạt động kinh doanh của chính mình qua việc khảo sát, lựa chọn và tập hợp thông tin một cách có hệ thống;
- Khi doanh nghiệp đánh giá các rủi ro liên quan đến tác động tiêu cực của khí nhà kính sẽ làm lộ diện các “điểm nóng” trong chuỗi giá trị của mình. Từ đó, giúp doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực giảm phát thải một cách phù hợp với nguồn lực nội bộ;
- Việc có một cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính chính xác cũng sẽ làm tăng độ tin cậy của các bên liên quan và là tín hiệu cho thấy việc sử dụng tài nguyên và năng lượng của doanh nghiệp có hiệu quả;
- Với cơ sở dữ liệu minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp có được chứng nhận khí nhà kính là điều kiện cần thiết để đăng ký nhãn sinh thái, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu;
- Trường hợp doanh nghiệp đầu tư giảm phát thải hiệu quả, việc trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon còn mang lại một nguồn thu nhập đáng kể.
Những thách thức đối với doanh nghiệp
Theo TS Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia tư vấn của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu khi trả lời báo chí: “Thực tế, Việt Nam đã làm kiểm kê phát thải khí nhà kính cấp quốc gia từ 20 năm nay, nên năng lực kiểm kê của Việt Nam cơ bản khá tốt so với các nước đang phát triển trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên ở cấp độ doanh nghiệp, vấn đề này còn tương đối mới”.
Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã tiên phong trong kiểm kê khí nhà kính, còn đa phần các doanh nghiệp đều đang đối mặt với các thách thức như:
- Chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng về kiểm kê khí nhà kính cho tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ;
- Thiếu nhân lực chuyên môn có thể nắm được các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính để thiết lập và vận hành hệ thống quản trị khí nhà kính.
Ngoài ra, sự chính xác của kiểm kê khí nhà kính phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, mức độ minh bạch và trình độ quản trị của doanh nghiệp.
Như vậy, bên cạnh những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, những lợi ích, cơ hội mà doanh nghiệp thực hiện có được là không nhỏ. Vì vậy các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch để triển khai kiểm kê khí nhà kính để đáp ứng với các yêu cầu cũng như nâng cao vị thế của mình trên thị trường.
Theo VNCPC
(https://vncpc.org/kiem-ke-khi-nha-kinh-co-hoi-hay-thach-thuc-doi-voi-doanh-nghiep/)