14 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngKhói thuốc lá: Những nguy hại nghiêm trọng đối với trẻ em

    Khói thuốc lá: Những nguy hại nghiêm trọng đối với trẻ em

    Date:

    Related stories

    Khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em bởi ở trẻ em các cơ quan phổi, tim, não… chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng chưa cao.

    Bà Đinh Thị L., ở xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, gia đình vừa đưa cháu ngoại mới 2 tuổi nhập viện tại Khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi) sau nhiều ngày bị ho, sốt, đã uống thuốc nhưng không khỏi. Tại đây, cháu được chẩn đoán viêm phổi, cần phải theo dõi, chăm sóc tích cực.

    Bà L. chia sẻ, trong gia đình bà có nhiều người hút thuốc lá, khiến cho con trẻ không tránh khỏi việc hút thuốc lá thụ động. “Cháu hay ho, khò khè và bị các bệnh về đường hô hấp. Sau khi bác sĩ tư vấn, tôi mới biết là khói thuốc lá khiến cháu dễ bị bệnh”, bà L. cho biết thêm.

    Thực tế đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh hút thuốc lá thụ động sẽ tăng nguy cơ nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi, làm trẻ thường xuyên bị ho, sổ mũi. Ước tính mỗi năm, nước ta có khoảng 150 nghìn – 300 nghìn trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc.

    Trẻ dưới 1 tuổi thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những trường hợp khác. Nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần. Số lần phải nhập viện điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc lá.

    Tương tự trường hợp trên, tại tỉnh Đắk Nông, chị Lê Thị H., phường Nghĩa Trung, TP.Gia Nghĩa cho biết, bé nhà chị hiện mới được 4,5 tháng. Bé thường xuyên bị thở khò khè và ho. Gia đình đã đưa bé về Bệnh viện Nhi Đồng I để được khám và điều trị thì các bác sĩ ở đây cho biết, bé bị viêm phế quản. Khi bác sĩ hỏi ra chị mới hay, do nhà chị hiện đang ở chung ba thế hệ, trong nhà có ông nội và chồng chị đều là những người hút thuốc lá. Mỗi lần hút mặc dù hai người đã ra ngoài nhưng vẫn không tránh khỏi cho bé “hút thuốc lá thụ động”.

    Bác sĩ Trịnh Tế Hi – Khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn non yếu, chưa hoàn thiện, nhạy cảm với khói bụi bên ngoài, nhất là khói thuốc lá. Việc hút thuốc lá thụ động kéo dài lâu ngày sẽ gây tổn thương niêm mạc đường thở của trẻ, gây ra các bệnh lý mãn tính về hô hấp. Ngoài ra, chất độc trong khói thuốc sẽ gây ra nhiều bệnh lý ung thư khởi phát sớm như: Ung thư phổi, thanh quản, vòm họng…


    Khói thuốc – mối nguy hại đối với trẻ em. (Ảnh minh họa)

    Không có ngưỡng an toàn với việc hút thuốc lá thụ động. Những người chỉ tiếp xúc với khói thuốc lá thời gian ngắn đã có thể chịu ảnh hưởng xấu về sức khỏe. Ngoài hệ hô hấp, các cơ quan khác như tim, não của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên việc hít khói thuốc lá thụ động lâu dài có thể gây ảnh hưởng về cả thể chất lẫn tinh thần trẻ. Trẻ sẽ gặp hạn chế về khả năng học hỏi, gặp các rắc rối về hành vi, chứng hiếu động thái quá và bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Bên cạnh đó, nguy cơ trẻ trở thành người nghiện thuốc lá khi trưởng thành cũng sẽ cao hơn.

    Khảo sát trên địa bàn tỉnh cho thấy, Quảng Ngãi có 28,6% người trưởng thành hút thuốc lá. Trong đó, có 32,7% người bắt đầu hút thuốc lá trước 20 tuổi và 67,3% người bắt đầu hút thuốc sau 20 tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại nhà chiếm hơn 40%; tại nơi làm việc hơn 21%; tại cơ quan nhà nước chiếm hơn 39%; tại nhà hàng chiếm 53,7%; tại quán bar, cà phê chiếm hơn 78%.

    Theo BS.Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô Hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, hút thuốc thụ động được hiểu là người không trực tiếp hút thuốc nhưng vẫn hít phải khói thuốc của người hút thuốc lá, xì gà hay ống điếu. Môi trường có khói thuốc bao gồm dòng khói thở ra từ người hút và dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy.

    Dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy sẽ vất vưởng trong phòng lâu hơn và có nồng độ chất gây ung thư cao hơn so với dòng khói thuốc chính thở ra từ người hút. Vì vậy, việc có người hút thuốc trong nhà, dù là hút thuốc ở phòng khác thì trẻ vẫn có nhiều nguy cơ hít phải khói thuốc.

    Bác sĩ Lê Thanh Minh-Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai) cảnh báo, trẻ em có thể bị nhiễm khói thuốc ngay từ khi còn nằm trong bào thai theo hình thức thụ động. Hút thuốc lá thụ động không chỉ ảnh hưởng đến phổi của trẻ mà còn ảnh hưởng đến não, tim, đường ruột, bệnh về đường hô hấp. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi…

    Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi tháng tiếp nhận hàng chục trẻ sinh non, nhẹ cân bị các bệnh về hô hấp, thậm chí bị tim bẩm sinh mà không ít trẻ trong số đó có bố hoặc mẹ nghiện hút thuốc lá. Bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Phó trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) cho hay: Nhiều phụ huynh đến chăm con nằm điều trị dài ngày tại khoa bệnh mà vẫn tụ tập ngoài hành lang để hút thuốc lá. Dù cán bộ y tế nhắc nhở nhưng nhiều người không ý thức được việc hút thuốc lá sẽ gây hại cho sức khỏe của bản thân mình và người xung quanh. Thậm chí có trường hợp khi bị nhắc nhở còn tỏ ra khó chịu với cán bộ y tế, họ không biết rằng hút thuốc lá trong bệnh viện là vi phạm pháp luật.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/su-nguy-hai-nghiem-trong-cua-khoi-thuoc-la-doi-voi-tre-em-d221880.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img