Hiện nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự sẵn sàng sử dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, đặc biệt vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ liên quan đến chính sách, tài chính nhằm thúc đẩy phát triển ĐMTMN.
Để hiểu hơn về những nút thắt liên quan đến chính sách, tài chính và các giải pháp tháo gỡ cho ĐMTMN phát triển trong thời gian tới, phóng viên Petrotimes ghi lại những chia sẻ của các chuyên gia về vấn đề này tại Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020 do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức mới đây.
Tiềm năng phát triển ĐMTMN rất lớn
Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiềm năng cho cả thị trường bán buôn và bán lẻ của ngân hàng
ĐMTMN tại Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng. Tiềm năng thứ nhất là hiện kinh phí lắp ĐMTMN từ khoảng 15 đến 20 triệu đồng. Đến nay đã có các ngân hàng như HDBank, TPBank có các gói tài chính cho vay hỗ trợ các dự án ĐMTMN. Với gói 11.000 tỷ đồng của TPBank, mỗi hộ được hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng thì sẽ rất nhiều hộ lắp đặt được ĐMTMN. Có thể nói, ĐMTMN tiềm năng cho cả thị trường bán buôn và bán lẻ của ngân hàng.
Tiềm năng thứ hai, là giá của các tấm pin mặt trời đang giảm dần, với một hệ thống điện mặt trời có công suất 1MW tốn khoảng 11 tỷ đồng. Như vậy, giá đầu tư không quá cao. Tiềm năng thứ 3, là mỗi người dân đều có sẵn mái nhà để có thể lắp đặt ĐMTMN. Tiềm năng thứ 4, là giá mua điện. Nếu có mức giá Fit ổn định trong nhiều năm thì tôi tin chắc rằng điện gió, điện mặt trời cực kỳ phát triển tại Việt Nam. Vừa rồi có 82 nhà máy điện mặt trời được lắp đặt cùng lúc ở phía Nam khi có giá khuyến khích, việc này rất đúng với tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là phải sử dụng chính sách giá, chính sách thuế, chính sách tín dụng một cách linh hoạt để thúc đẩy điện mặt trời.
Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tất nhiên cũng có những mặt rủi ro. Các ngân hàng thương mại khi cho vay thì cũng phải nhìn được khả năng thu hồi nợ, thấy được hướng dòng tiền quay trở về. Chính vì vậy, rủi ro lớn nhất là giá Fit. Ngành điện sẽ mua điện như thế nào, có ổn định hay không? Có đảm bảo hay không? Có duy trì được lợi ích khuyến khích cho người dân đầu tư hay không? Tuy nhiên, nếu khoảng 10 triệu hộ dân đầu tư điện áp mái thì phân tán rủi ro rất tốt bởi quy mô đầu tư mỗi hộ chỉ khoảng 20-30 triệu đồng và cho vay trong 10 năm thì mỗi năm trả nợ khoảng 3 triệu đồng cộng với mức lãi không đáng kể là bao nhiêu.
Như vậy có thể thấy, giá Fit rất quan trọng còn cơ chế mua hết bán hết hay mua theo bù trừ thì các bên có thể đưa ra và phân tích về mặt khoa học để làm sao khuyến khích người dân tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần có các tiêu chuẩn về kỹ thuật và hướng dẫn, quy trình vận hành điện áp mái như thế nào để người dân thấy việc này rất bình thường và không có gì khó khăn.
Một rủi ro nữa là về mặt tỷ giá. Kể cả người dân hay doanh nghiệp thì câu chuyện về tỷ giá Đồng Việt Nam tăng là bình thường và tăng theo chiều hướng ổn định thì cũng không có vấn đề gì lớn. Với doanh nghiệp đầu tư lớn vào ngành ĐMTMN thì phải sử đụng đến các bài toán, các công thức, sản phẩm phái sinh để hạn chế rủi ro. Nhà đầu tư phải tính đến rủi ro. Đó là về mặt tác nghiệp tài chính các nhà đầu tư phải làm.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID): Cần có giải pháp thu xếp tài chính, hỗ trợ cho hộ gia đình có thu nhập thấp
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID)
Thực tế hiện nay người dân và nhà đầu tư chưa thực sự vào cuộc đầu tư cho ĐMTMN, bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn trong khi đó nhiều vấn đề liên quan đến chính sách, tài chính cần được tháo gỡ.
Về chi phí, giá thiết bị ĐMTMN trong 2 năm gần đây đã giảm đáng kể. Dù vậy, với vật tư thiết bị chất lượng cao, 1kWp công suất của hệ thống ĐMTMN có thể phải đầu tư 15-20 triệu đồng. Vẫn còn cao so với thu nhập bình quân của người Việt Nam, đặc biệt là với hộ gia đình đang có thu nhập thấp đến trung bình. Như vậy cũng đòi hỏi giải pháp thu xếp tài chính, hỗ trợ cho hộ gia đình có thu nhập thấp và muốn sử dụng năng lượng xanh để được đầu tư. Bên cạnh đó, quy định thế nào là “áp mái” lại chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều nhà đầu tư dùng các hình thức “núp bóng” điện mặt trời mái nhà gây nhiều vướng mắc. Đã có nhiều tranh chấp, kiến nghị về quy chế hòa lưới, thủ tục giấy tờ, quy trình hoàn thiện hồ sơ hòa lưới ĐMTMN.
Ông Hoàng Mạnh Tân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà: Liên kết với một số ngân hàng để khơi thông vốn
Ông Hoàng Mạnh Tân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà
Tiềm năng điện mặt trời mái nhà là vô cùng lớn để phát triển kinh tế xã hội trong khi giá điện ngày càng tăng, nhất là điện lũy tiến, lắp điện mặt trời để cắt được số điện lũy tiến giá cao cũng là một cách người dân đang tận dụng. Tuy nhiên, đây là nguồn năng lượng mới nên đòi hỏi chi phí phải cao hơn. Để khơi thông tài chính cho ĐMTMN cần có sự liên kết với một số ngân hàng và có những chương trình dành riêng cho phát triển năng lượng mặt trời, qua đó tư vấn cho người dân phát triển điện mặt trời trên từng mái nhà.
Để điện mặt trời áp mái tăng trưởng tốt trong thời gian tới cần phải có cơ chế giá riêng cũng như có chính sách để cổ vũ việc sử dụng năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, có chính sách phân loại công trình để xác định công trình sử dụng năng lượng tái tạo. Đối với các hộ gia đình, nếu như chương trình “gia đình văn hoá” tạo nên niềm tự hào cho mỗi hộ dân, thì tại sao không đưa thêm các yếu tố về năng lượng tái tạo, sử dụng điện mặt trời áp mái để dần phổ cập rộng rãi hơn. Việc sử dụng năng lượng tái tạo biến thành niềm tự hào đối với mỗi người.
Minh Lê – Xuân Hinh
https://petrotimes.vn/khoi-thong-tai-chinh-cho-dien-mat-troi-mai-nha-577431.html