Bột ngọt là thứ gia vị quen thuộc trong căn bếp mỗi gia đình tuy nhiên không nên chế biến sai để chúng biến thành chất độc.
Bột ngọt (hay còn được gọi là mì chính) là gia vị được sử dụng phổ biến trong bếp ăn của hầu hết mọi gia đình. Tuy nhiên, để bữa ăn trở nên ngon miệng hơn mà vẫn đảm bảo sức khỏe, người nội trợ cần có những hiểu biết về loại gia vị này.
Bột ngọt thực chất là muối natri của axít glutamic, một axít amin rất cần thiết cho quá trình tổng hợp chất đạm (protein) của cơ thể. Axít glutamic tồn tại phổ biến trong các thực phẩm tự nhiên như thịt, cá, trứng, sữa (kể cả sữa mẹ) và các loại rau củ quả như cà chua, bí đỏ, đậu Hà Lan… Hiện nay, bột ngọt được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên như tinh bột khoai mì, mật mía đường, bắp,… bằng phương pháp lên men vi sinh tự nhiên – tương tự như phương pháp sản xuất bia, dấm, nước mắm….
Tuy nhiên, cần hiểu rõ bột ngọt chỉ là một phụ gia thực phẩm có tác dụng điều vị làm cho thực phẩm ngon và hấp dẫn hơn tương tự như các gia vị khác, chứ bản thân bột ngọt và các gia vị nói chung không phải là chất dinh dưỡng. Vì thế, không nên dùng bột ngọt để thay thế cho các chất dinh dưỡng có trong thịt, cá, trứng, sữa… Đặc biệt càng không nên chế biến sai cách sẽ khiến bột ngọt trở thành chất độc gây hại sức khỏe.
Khi chế biến ở nhiệt độ cao nếu cho bột ngọt vào sẽ gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia của Viện Dinh Dưỡng, bột ngọt làm hương vị các món ăn trở nên ngọt ngào, hấp dẫn hơn. Nhưng nó không hề có giá trị dinh dưỡng, thậm chí còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nếu bị lạm dụng. Nhiều người giờ gần như không dùng bột ngọt trong nấu ăn. Bởi khi sử dụng, họ thường gặp các biểu hiện như căng thẳng, hoa mắt, nhức đầu, buồn nôn… Đây cũng được coi như là phản ứng dị ứng với bột ngọt.
Thực tế, bột ngọt là chủ đề gây tranh cãi do một số người gặp tác dụng phụ với nó như đau đầu, phát ban và đổ mồ hôi. Tuy nhiên, những phản ứng này rất hiếm và chỉ xảy ra ở những người nhạy cảm hay người tiêu thụ một lượng lớn bột ngọt khi đói bụng.
Nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện độc lập bởi các nhóm khoa học uy tín đều chỉ ra rằng sử dụng bột ngọt với liều lượng tiêu thụ bình thường sẽ an toàn cho con người. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục sử dụng bột ngọt như một chất điều vị trong thực phẩm.
Tuy nhiên nếu thêm bột ngọt vào thực phẩm đang chiên có thể gây hại. ở nhiệt độ cao có thể khiến bột ngọt bị phân hủy và tạo thành các hợp chất có hại. Thực phẩm chiên rán đã chứa nhiều calo, chất béo và natri và thêm bột ngọt có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan chế độ ăn nhiều chất béo và natri.
Ngoài ra, một số nhà sản xuất có thể sử dụng bột ngọt chất lượng thấp bị nhiễm tạp chất, chẳng hạn như chì, cadmium hoặc asen. Những tạp chất này có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là khi tiếp xúc lâu dài. Để giảm thiểu những rủi ro liên quan bột ngọt, điều quan trọng là sử dụng nó ở mức độ vừa phải và tuân theo các kỹ thuật nấu ăn thích hợp.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phân loại bột ngọt là gia vị an toàn cho con người khi sử dụng với lượng thích hợp. Lượng ăn vào hàng ngày có thể chấp nhận được đối với bột ngọt là 2,5 gram cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Điều này có nghĩa là một người nặng 70 kg có thể tiêu thụ tối đa 175 gram bột ngọt mỗi ngày một cách an toàn.
Khi sử dụng bột ngọt trong nấu nướng chỉ nên dùng không quá 0,5 gam bột ngọt cho mỗi khẩu phần ăn. Điều này tương đương với khoảng 1/8 muỗng cà phê bột ngọt mỗi khẩu phần. Để sử dụng bột ngọt trong nấu ăn, bạn chỉ cần rắc một lượng nhỏ lên thức ăn trong khi nấu hoặc thêm vào hỗn hợp gia vị trước khi nấu.
Khi sử dụng bột ngọt, điều quan trọng là phải xem xét hàm lượng natri tổng thể trong món ăn, đặc biệt đối với những người nhạy cảm với natri hoặc bị huyết áp cao.
Để giảm lượng natri, người dân nên sử dụng nước dùng ít natri hoặc các loại gia vị thay thế khác kết hợp với bột ngọt. Bằng cách làm theo các hướng dẫn này và chú ý tới liều lượng tiêu thụ, bạn có thể tận hưởng những lợi ích của bột ngọt như một chất tăng cường hương vị mà không gặp rủi ro về các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/khi-nao-bot-ngot-co-the-gay-hai-cho-suc-khoe-dung-the-nao-cho-an-toan-suc-khoe-d208877.html