Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc mới đây đã phát hiện ra các hạt vàng siêu nhỏ có thể là vũ khí mới trong cuộc chiến chống lại sự kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn.

Một nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế từ Đại học Leeds, Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam (Thâm Quyến) và Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), Trung Quốc, đã xác định được cách đóng gói các nano vàng trong một lớp bao phân tử tạo ra chúng ít độc hơn đối với mô khỏe mạnh mà không ảnh hưởng đến đặc tính kháng khuẩn của chúng.

Các cụm nano vàng được đóng gói bên trong một lớp bao phân tử giúp chúng tiếp cận vi khuẩn mà không gây hại cho tế bào vật chủ. Lớp vỏ này được làm bằng hai phối tử – phối tử đầu tiên có điện tích dương bị thu hút bởi điện tích âm của vi khuẩn, trong khi phối tử thứ hai được gọi là nhóm zwitterionic, chứa cả điện tích dương và điện tích âm.

Ý tưởng là những phối tử này kết hợp với nhau sẽ giúp đưa “gói hàng” đến vi khuẩn, nơi mà lớp nano vàng sau đó sẽ hoạt động. Việc này có thể không đủ để tiêu diệt vi khuẩn một cách trực tiếp, nhưng sẽ làm chúng suy yếu đủ để cho phép kháng sinh tiêu diệt – ngay cả khi vi khuẩn đã phát triển sức đề kháng với thuốc.


Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra các hạt vàng siêu nhỏ có thể là vũ khí mới trong cuộc chiến chống lại sự kháng thuốc kháng sinh. Ảnh minh họa

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm kỹ thuật này trên chuột với một loại siêu vi khuẩn phổ biến có tên là Staphylococcus epidermidis (MRSE) kháng methicillin. Họ đã điều trị vi khuẩn bằng ba loại kháng sinh từ ba loại khác nhau, cả có và không có nano vàng. Kết quả cho thấy, những thuốc được kết hợp với vàng hoạt động tốt hơn, ức chế MRSE chỉ bằng một phần 128 lượng thuốc cần thiết khi tiêm một mình.

Kỹ thuật này có thể giúp kéo dài thời gian để phát triển các loại thuốc kháng sinh mới, bằng cách thổi luồng sinh khí mới vào những loại thuốc cũ.

Nói tới tình trạng kháng kháng sinh hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, kháng thuốc hiện đang là vấn đề toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của hàng triệu người mỗi năm, đồng thời còn là một thách thức lớn đối với công tác điều trị bệnh trong tương lai.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm, tương đương cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong – lớn hơn rất nhiều so với tỷ lệ tử vong do ung thư.

Trên thực tế, thuốc kháng sinh là một giải pháp hiệu quả giúp điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng kháng sinh, hay có thể hiểu là khiến vi khuẩn hay các mầm bệnh “quen” với kháng sinh nên kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn được sự phát triển của chúng. Khi đó, việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn sẽ trở nên khó khăn hơn, thậm chí không thể điều trị được. Nhiễm khuẩn do vi khuẩn đề kháng buộc bác sĩ phải sử dụng thuốc kháng sinh thay thế, mà các thuốc này thường có độc tính cao hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả tình trạng kháng kháng sinh chính là mối nguy hại hàng đầu cho sức khỏe con người trên toàn cầu, khi các phương pháp điều trị thông thường sẽ trở nên kém hoặc không hiệu quả, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, kéo dài thời gian bệnh khiến sức khỏe suy kiệt, chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cao hơn.

Theo đó, WHO kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng kháng sinh. Đối với người dân cần dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ; Không tự ý dùng thuốc kéo dài; Không dùng đơn thuốc cũ hoặc của người khác.

Đối với nhân viên y tế không chỉ định quá mức và sai mục đích kháng sinh; Hướng dẫn người bệnh sử dụng đúng kháng sinh; Khuyến cáo tác hại của lạm dụng kháng sinh

Đặc biệt, cần phòng chống nhiễm khuẩn và lây lan nhiễm khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; Thực hiện tiêm ngừa đầy đủ theo lịch.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/khang-thuoc-khang-sinh-tim-ra-vu-khi-moi-chong-lai-vi-khuan-khang-thuoc-d194823.html