16.6 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 18, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngKháng kháng sinh gây tác động tiêu cực đến kết quả điều...

    Kháng kháng sinh gây tác động tiêu cực đến kết quả điều trị ung thư và làm tăng tỷ lệ tử vong

    Date:

    Related stories

    Bệnh nhân ung thư có nguy cơ nhiễm trùng cao do hệ thống miễn dịch suy yếu. Nếu tự ý lạm dụng thuốc kháng sinh có thể dẫn tới nhiều tác động tiêu cực, thậm chí nhanh tử vong.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố kháng kháng sinh (AMR) là một trong mười mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu hàng đầu. Việc sử dụng không phù hợp hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của AMR. Sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc làm cho các phương pháp điều trị kháng sinh hiện tại không hiệu quả, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đe dọa tính mạng con người như phẫu thuật, cấy ghép nội tạng và hóa trị liệu ung thư.

    AMR có thể tác động tiêu cực đến kết quả điều trị ung thư và làm tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh ung thư. Việc giảm số lượng và chức năng của các tế bào bạch cầu là dấu hiệu đặc trưng và gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch. Các liệu pháp điều trị ung thư khác nhau như phẫu thuật, cấy ghép tủy xương, xạ trị và hóa trị giúp ức chế hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư.

    Nhiễm trùng là nguyên nhân chính khiến 1/5 bệnh nhân ung thư phải nhập viện điều trị. Các bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất cần phải nhập viện là viêm phổi do vi khuẩn và nhiễm trùng huyết. Theo ước tính hiện nay, tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng huyết nặng ở bệnh nhân ung thư là 8,5%.

    Thuốc kháng sinh được coi là lựa chọn hàng đầu để điều trị nhiễm khuẩn ở bệnh nhân ung thư. Sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc gây gánh nặng cho việc điều trị ung thư, dẫn đến tiên lượng xấu và tăng tỷ lệ tử vong.


    Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ có tác động tiêu cực tới bệnh nhân ung thư. Ảnh minh họa

    Do các tế bào ung thư có thể ẩn nấp và trốn tránh hệ thống miễn dịch của cơ thể, do đó, liệu pháp miễn dịch trong ung thư nhằm tăng cường khả năng phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch, đánh dấu tế bào ung thư đồng thời tấn công tiêu diệt chúng.

    Có bằng chứng cho thấy liệu pháp ức chế kháng nguyên tế bào lympho T4 gây độc tế bào (ipilimumab) làm tăng tính nhạy cảm của bệnh nhân u ác tính đối với các bệnh nhiễm trùng cơ hội, bao gồm nhiễm aspergillosis xâm lấn, viêm gan do cytomegalovirus và viêm phổi do pneumocystis.

    Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ nhiễm trùng cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân ung thư dùng thuốc ức chế miễn dịch, bao gồm cả corticosteroid và infliximab. Về các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, bằng chứng hiện có cho thấy nguy cơ nhiễm trùng nặng cao hơn ở những bệnh nhân được điều trị phối hợp với nivolumab và ipilimumab so với những người dùng pembrolizumab. Sự thay đổi này có thể là do sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng từng trường hợp do thuốc gây ra.

    Bệnh nhân ung thư bị nhiễm vi khuẩn chủ yếu phải điều trị kháng sinh kéo dài. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh phổ rộng trong thời gian dài có thể làm tăng đáng kể nguy cơ xuất hiện AMR. Điều này làm phức tạp thêm việc quản lý bệnh tật và tử vong liên quan đến ung thư.

    Ngoài tình trạng nhiễm trùng cộng đồng, bệnh nhân ung thư còn phải đối mặt với tình trạng nhiễm trùng bệnh viện, đây là một nguồn AMR chính khác, đặc biệt khiến cho việc điều trị nhiễm trùng cho nhóm bệnh nhân này trở nên càng khó khăn hơn. Nhiễm trùng bệnh viện cũng là lý do chính khiến bệnh nhân ung thư phải nhập viện tại khoa chăm sóc đặc biệt (ICU).

    AMR có tác động tiêu cực đáng kể đến việc quản lý ung thư do bệnh nhân ung thư phụ thuộc nhiều vào kháng sinh để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng. Mặc dù sự tiến bộ trong các cơ sở chăm sóc y tế đã làm tăng đáng kể tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư, nhưng các phương pháp điều trị hiện tại liên tục làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và phát triển AMR.

    Theo các số liệu hiện có, khoảng 26% các bệnh nhiễm trùng phát sinh ở bệnh nhân ung thư sau khi hóa trị phát triển khả năng kháng kháng sinh dự phòng tiêu chuẩn. Người ta đã dự đoán rằng việc giảm hiệu quả kháng sinh từ 30 – 70% ở bệnh nhân ung thư huyết học sẽ dẫn đến 4.000 – 10.000 ca nhiễm trùng và 500 – 1.000 ca tử vong hàng năm ở Hoa Kỳ.

    Những lý do phổ biến nhất dẫn đến nhiễm trùng kháng kháng sinh bao gồm tình trạng sức khỏe đã có từ trước, sử dụng kháng sinh trước đó, ống thông tiểu hoặc các nguồn khác liên quan đến nhiễm trùng tiết niệu. Đối với bệnh nhân ung thư, nhiễm trùng kháng kháng sinh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết kéo dài, nhiễm trùng lan rộng, nhập viện ICU và tử vong. Những kết quả không thuận lợi này được quan sát thấy ở cả bệnh nhân người lớn và trẻ em mắc bệnh ung thư máu hoặc khối u rắn.

    Ở những bệnh nhân có khối u rắn, giảm bạch cầu trung tính liên quan đến hóa trị hoặc xạ trị, phá vỡ cấu trúc giải phẫu bởi các thiết bị y tế hoặc thủ thuật phẫu thuật và tắc nghẽn do khối u nguyên phát hoặc di căn là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng.

    AMR đã được phát hiện là có tác động cao hơn đối với bệnh nhân ung thư thuộc một số dân tộc nhất định, bao gồm người Mỹ gốc Phi, người Latinh và cộng đồng bản địa. Điều này có thể là do việc sử dụng nhiều thuốc kháng sinh không đúng chỉ định, không thể tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ du lịch đến các quốc gia có gánh nặng AMR cao hơn và việc làm cao hơn trong sản xuất động vật thực phẩm.

    AMR làm tăng đáng kể chi phí chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, AMR ước tính tiêu tốn gần 20 tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe và 35 tỷ USD mỗi năm do mất năng suất. Người ta đã quan sát thấy rằng những bệnh nhân ung thư bị nhiễm S. aureus kháng methicillin có nguy cơ phải nằm viện kéo dài gấp 3 lần so với những người không bị nhiễm loại vi khuẩn này, điều này càng làm tăng thêm chi phí chăm sóc sức khỏe.

    Trước đó, trong một nghiên cứu của mình các chuyên gia Đại học Emory (Mỹ) cho biết, việc tự ý uống thuốc kháng sinh có thể làm tăng tốc độ phát triển ung thư di căn. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh diễn ra ngày càng phổ biến, nguyên nhân là bất cứ ai cũng có có thể dễ dàng mua được kháng sinh. Tuy nhiên, hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm.

    Kháng sinh còn được gọi là trụ sinh là những chất được chiết xuất từ các vi sinh vật, nấm, được tổng hợp hoặc bán tổng hợp. Đây là các thuốc giết vi khuẩn (vi sinh mầm bệnh gây nhiễm trùng) hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu.

    Mặc dù kháng sinh có tác dụng tích cực là điều trị bệnh, diệt vi khuẩn gây bệnh, không cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở tiết ra các độc chất gây hại cho cơ thể, nhưng nó còn có tác dụng phụ như phản ứng phụ hoặc dị ứng. Mặc khác, việc lạm dụng thuốc kháng sinh khiến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc đang ngày càng phổ biến như: Tụ cầu kháng methicilline; phế cầu kháng penicilline; khuẩn salmonela đa kháng với choramphenicol, ampicillin, cotrimoxazole… Sự xuất hiện của các vi khuẩn này gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Thậm chí nó còn có khả năng làm cho tế bào ung thư di căn nhanh hơn.

    Cụ thể, các chuyên gia Đại học Emory (Mỹ) mới đây cho biết, việc tự ý uống thuốc kháng sinh có thể làm tăng tốc độ phát triển ung thư di căn. Nghiên cứu diễn ra trên những con chuột bị ung thư hắc tố ác tính, một dạng ung thư da ác tính. Các nhà khoa học cho rằng thuốc có thể làm suy giảm hệ vi khuẩn đường ruột của chuột, làm suy yếu phản ứng miễn dịch.

    Theo tiến sĩ Subhashis Pal, chuyên khoa nội tiết tại Trường Y Đại học Emory, phát hiện cho thấy tầm quan trọng của hệ vi sinh đường ruột đối với sức khỏe tổng thể, đồng thời cảnh báo bác sĩ cân nhắc đến các tác động tiêu hóa khi sử dụng liệu pháp kháng sinh trong điều trị ung thư và một số loại bệnh khác.

    Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ làm cạn kiệt hệ vi sinh vật đường ruột, ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch, do đó làm thay đổi phản ứng miễn dịch, dẫn đến di căn xương – một biến chứng của khối u ác tính.

    Nghiên cứu tiết lộ cơ chế phát triển thành di căn của khối u ác tính. Đồng thời, nó chỉ ra rằng những thay đổi về hệ vi sinh đường ruột do kháng sinh gây ra có thể để lại hậu quả tiêu cực về mặt lâm sàng với bệnh ung thư và nhiều căn bệnh khác.

    Theo tiến sĩ Pal, mọi người nên chú trọng bảo vệ hệ vi sinh đường ruột và hậu quả bất lợi khó lường của các chế độ kháng sinh. Ngược lại, chế phẩm sinh học có thể đóng một vai trò trong việc duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh cũng như sức khỏe tổng thể.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/nhung-tac-dong-cua-tinh-trang-khang-khang-sinh-doi-voi-benh-nhan-ung-thu-d217681.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img