Ngày 23/5/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Kết nối mạng lưới tái chế nhựa, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Trọng Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, chất thải nhựa và ô nhiễm chất thải nhựa đang là vấn nạn môi trường mang tính cấp thiết trên thế giới. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn trong tổng số 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày, trong đó chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế, còn lại được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác. Thời gian qua, TP đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa với chiến lược biến rác thành tài nguyên; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa vào thực tiễn. Tuy nhiên, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh học hỏi kinh nghiệm và tham gia kết nối vào mạng lưới tái chế nhựa tại khu vực và thế giới.

Đối với vấn đề kết nối mạng lưới tái chế nhựa, GS – TS Stefan Salhofer, Trường Đại học TN&MT Vienna của Áo cho biết, Chương trình ERASMUS+ của Liên minh châu Âu đã tài trợ thực hiện Dự án Mạng lưới tái chế nhựa Đông Nam Á – châu Âu, nhằm nâng cao năng lực đào tạo, giáo dục về tái chế nhựa ở Lào và Việt Nam. Dự án thực hiện từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2020 với 10 thành viên gồm các trường đại học và đối tác công nghiệp chuyên ngành liên quan đến từ Lào, Việt Nam, Đan Mạch, Đức và Áo.

Dự án tập trung tổ chức các khóa tập huấn cho doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên về lĩnh vực tái chế nhựa; hỗ trợ quá trình tạo ra các sản phẩm nhựa và thay thế nhựa an toàn, thân thiện môi trường. Đến tháng 10/2020, Dự án hỗ trợ thành lập hai Trung tâm đào tạo và nghiên cứu về tái chế nhựa tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Lào.

Các Tổng lãnh sự tại TP. Hồ Chí Minh tham gia tặng túi vải tái sử dụng cho tiểu thương và người đi chợ Bến Thành (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Lê Hùng Anh, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, để thực hiện vai trò thành viên của Dự án, trường sẽ tổ chức các khóa tập huấn về tái chế nhựa, đánh giá vi nhựa trong sản phẩm và môi trường, phân tích chất lượng sản phẩm nhựa theo tiêu chuẩn RoSH của châu Âu (tiêu chuẩn của châu Âu nhằm hạn chế nghiêm ngặt các thành phần độc hại như chì, thủy ngân… trong các thiết bị gia dụng, đồ chơi, thiết bị tiêu dùng), nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng cũng như các bên liên quan. Trong năm 2019, trường sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xét nghiệm miễn phí về đánh giá vi nhựa trong sản phẩm nước ăn uống và đánh giá an toàn sản phẩm nhựa theo tiêu chuẩn RoSH, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm nhựa vào thị trường châu Âu.

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Lê Hùng Anh cho biết thêm, trên thế giới, chỉ khoảng 50%, khối lượng rác thải nhựa được xử lý, số còn lại được thải ra môi trường. Chất thải nhựa sau khi thải ra môi trường sẽ tạo thành các sợi vi nhựa, mảnh và màng vi nhựa theo nước ra sông, biển, làm ô nhiễm nước ở sông, suối, đại dương, nước ngầm, ô nhiễm không khí.

Theo thống kê, Việt Nam xếp ở vị trí thứ tư về phát thải rác thải nhựa trên thế giới, sau Trung Quốc, Inđônêxia, Philippin. Khảo sát tại sông Sài Gòn cho thấy, có 172.000 – 519.000 sợi vi nhựa/m3 nước; 10 – 233 mảnh vi nhựa/m3 nước, qua đó có thể nhận định nguồn nước sông đang ở trong tình trạng ô nhiễm nhựa ở mức cao.

Chia sẻ về vấn đề tái chế nhựa, GS – TS. Christina Dornark, Trường Đại học Công nghệ Dresden của Đức cho biết, tại Đức, trước khi tập trung vào giải pháp tái chế rác thải nhựa thì chúng tôi giảm thiểu tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thay thế bằng các sản phẩm tái sử dụng hoặc sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc tái chế rác thải nhựa được các doanh nghiệp thực hiện bằng các giải pháp đảm bảo vấn đề môi trường, đảm bảo an toàn, chất lượng của sản phẩm tái chế.

GS – TS. Christina Dornark cho rằng, Lào và Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái chế rác thải nhựa, có kế hoạch nhập khẩu sản phẩm nhựa phù hợp, hạn chế nhập khẩu các rác thải nhựa làm nguyên liệu; đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế để có các giải pháp, thiết bị hiện đại thực hiện việc tái chế rác thải nhựa đảm bảo an toàn chất lượng và vệ sinh môi trường.

Theo Hoàng Đàn/tapchimoitruong.vn (24/5/2019)