Theo các bác sĩ tại Ấn Độ, các sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp có hương thơm đều có thể gây hại làn da.
Thật khó cưỡng lại sức hút của các loại kem dưỡng ẩm và huyết thanh sang trọng bởi chúng thường có hương thơm đầy mê hoặc. Tuy nhiên không phải bất kỳ loại mỹ phẩm nào cũng có thành phần sạch và an toàn cho người dùng, đặc biệt các hương liệu tạo mùi mỹ phẩm.
Hương liệu tạo mùi mỹ phẩm thuộc nhóm những thành phần gây tranh cãi nhất trong mỹ phẩm. Vì thêm hương liệu tạo mùi mỹ phẩm sẽ làm tăng tính trải nghiệm cũng như che giấu đi mùi khó chịu của các hoạt chất dưỡng da có trong công thức.
Trên thực tế có 2 phương pháp để thêm hương liệu tạo mùi mỹ phẩm là sử dụng nước hoa nhân tạo (fragrance) hoặc sử dụng các loại tinh dầu (essential oil). Tuy nhiên hầu hết các thương hiệu đều sử dụng thuật ngữ fragrance (hương thơm) hiển thị trên bảng thành phần mà không tiết lộ cụ thể chất được dùng để tạo mùi hương, điều này khiến không ít người mua thận trọng về việc dùng mỹ phẩm chứa hương thơm có tốt không?
Mỹ phẩm chăm sóc da có hương thơm tiềm ẩn nhiều mối nguy hại. Ảnh minh họa
Thực tế, theo Viện Da liễu Hoa Kỳ (Mỹ), hương liệu được coi là nguyên nhân hàng đầu gây ra các phản ứng dị ứng trên da bao gồm cả tăng sắc tố da và ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số nói chung.
Bác sĩ da liễu Jaishree Sharad (người Ấn Độ) chia sẻ với HealthShots: “Hương liệu trong các sản phẩm chăm sóc da có chứa các chất gây dị ứng như geraniol, eugenol, citronellol, phthalates.
Những chất này có thể gây dị ứng da, nổi mề đay, ngứa, phát ban, hắt hơi, thở khò khè và tăng sắc tố da. Chúng cũng có thể làm trầm trọng thêm các vết chàm và sắc tố da hiện có. Phthalates và xạ hương tổng hợp như styrene, methyl eugenol thậm chí còn được cho là có thể làm thay đổi nội tiết tố”.
Trong một số trường hợp, phthalate cũng có thể gây ung thư, nhiễm độc trong cơ thể, các vấn đề nội tiết, dị tật bẩm sinh và các vấn đề về hô hấp. Đôi khi, người ta không biết rằng chúng được thêm vào mỹ phẩm, bởi vì các nhà sản xuất không bắt buộc phải liệt kê chúng trên nhãn.
Đối với tất cả các loại da, giới chuyên gia khuyên nên thử nghiệm trước khi dùng sản phẩm. Nơi tốt nhất để kiểm tra sản phẩm là sau tai hoặc bên trong cổ tay, vì đây là những vùng da rất mỏng manh.
Chỉ cần thoa một lượng nhỏ sản phẩm sau tai hoặc bên trong cánh tay. Nếu có phản ứng dị ứng hoặc mẩn đỏ nên ngừng sử dụng sản phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.
Nếu lo lắng mình có thể có phản ứng khi thử bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào, chuyên gia khuyên nên tham khảo những người có cùng loại da và từng sử dụng sản phẩm trước đó. Ngoài ra, các sản phẩm mua trực tuyến cũng có thể được trả lại trong vòng 30 ngày nếu làn da phản ứng.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, các thành phần hương thơm cũng được sử dụng trong các sản phẩm như dầu gội, sữa tắm và kem dưỡng da. Trên thực tế, một số sản phẩm có thể tự nhận là ‘không mùi’ nhưng lại chứa các thành phần độc hại. Điều này là do các công ty thêm chúng vào để che đi mùi khó chịu mà không tạo ra mùi hương đáng chú ý.
Bác sĩ Sharad nói rằng một số công ty có thể sử dụng hương liệu để thu hút người tiêu dùng bằng cách kết nối cảm xúc. Hương liệu cũng có thể là để tăng nhận thức về giá trị. Nhưng dù là trường hợp nào, điều quan trọng đối với những người mới làm quen với chăm sóc da là phải tìm hiểu xem mình có bị dị ứng với các sản phẩm có mùi thơm hay không. Họ cũng có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để biết rõ hơn.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/huong-thom-trong-my-pham–thu-pham-lam-hai-lan-da-nhieu-nguoi-khong-biet-d195926.html