Một nghiên cứu mới đây tại trường đại học ở Anh đã chỉ ra rằng nước uống trên toàn cầu chứa các ‘hóa chất vĩnh cửu’ – loại chất gây độc đối với sức khỏe con người.

Cụ thể, các nhà khoa học đã phát hiện sự hiện diện của PFAS (chất perfluoroalkyl), một loại hóa chất bền vững, trong hơn 99% các mẫu nước uống được thu thập từ 15 quốc gia, bao gồm cả nước đóng chai và nước máy từ những thành phố lớn như ở Anh và Trung Quốc.

Nghiên cứu này do các nhà khoa học từ Đại học Birmingham, Đại học Khoa học Công nghệ Nam Phương và Đại học Hải Nam thực hiện, chỉ ra rằng các chất như axit perfluorooctanoic (PFOA) và perfluorooctane sulfonate (PFOS) – hai loại PFAS chính – đã xuất hiện trong hầu hết các mẫu nước uống.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm 112 mẫu nước đóng chai từ 15 quốc gia và phát hiện rằng nước khoáng tự nhiên chứa mức độ ô nhiễm PFAS cao nhất, trong khi nước tinh khiết có nồng độ thấp hơn. Đặc biệt, nước máy tại Trung Quốc có mức PFAS cao hơn so với ở Anh, một số mẫu tại Trung Quốc thậm chí còn vượt quá mức giới hạn an toàn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (USEPA). Trước đó USEPA đã từng công bố tiêu chuẩn nước uống đầu tiên nhằm bảo vệ con người trước những loại “hóa chất vĩnh cửu” độc hại. Cụ thể, quy định sẽ đặt ra giới hạn cho 5 loại hóa chất PFAS riêng biệt, bao gồm: PFOA, PFOS, PFNA, PFHxS và HFPO-DA. Tất cả các hệ thống nước công cộng cần hoàn thành việc giám sát các hóa chất này trong thời hạn 3 năm và phải thông báo cho công chúng về nồng độ PFAS trong nước. Trong trường hợp PFAS được phát hiện vượt tiêu chuẩn, đơn vị cung cấp phải lắp đặt hệ thống giảm nồng độ trong vòng 5 năm.

Nhiều mẫu nước trên thế giới được phát hiện có chứa hóa chất vĩnh cửu PFAS

Tuy nhiên, tin vui là các biện pháp xử lý nước đơn giản như đun sôi hoặc sử dụng than hoạt tính đã được chứng minh có thể giảm tới 90% nồng độ PFAS trong nước uống. Giáo sư Stuart Harrad từ Đại học Birmingham, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Những phương pháp này có thể loại bỏ đáng kể các hóa chất độc hại, mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng”.

Mặc dù nồng độ PFAS hiện tại trong nước uống chưa đạt đến mức gây nguy hiểm ngay lập tức cho sức khỏe, việc theo dõi và kiểm soát vẫn là cần thiết để đảm bảo an toàn trong tương lai. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng điều kiện kinh tế và lối sống có thể ảnh hưởng đến mức độ phơi nhiễm PFAS, do đó cần có thêm các nghiên cứu để hiểu rõ hơn về tác động xã hội của vấn đề này.

Được biết, PFAS, thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, có thể mất hàng thế kỷ để phân hủy trong môi trường tự nhiên. Điều đáng báo động là chúng có thể tích tụ trong cơ thể người và động vật, dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Những hóa chất này xuất hiện phổ biến trong các sản phẩm như thuốc trừ sâu, chảo chống dính, bao bì thực phẩm và mỹ phẩm, từ đó thâm nhập vào nguồn nước qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Một số loại PFAS đã bị cấm, vẫn còn nhiều chất khác đang được sử dụng mà chưa được đánh giá đầy đủ về mức độ tác hại đối với sức khỏe con người.

Bảo Trâm
https://vietq.vn/hoa-chat-vinh-cuu-duoc-tim-thay-trong-nhieu-loai-nuoc-dong-chai-va-nuoc-may-tren-the-giois21-d226564.html