Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy hai loại hóa chất axit perfluorooctanesulfonic (PFOS) và axit perfluorooctanoic (PFOA) trong chất chống dính, mỹ phẩm, vải, có thể gây ung thư gan.
Hai loại hóa chất axit perfluorooctanesulfonic (PFOS) và axit perfluorooctanoic (PFOA) bao gồm hơn 4.700 hợp chất nhóm perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl (PFAS), thường được dùng làm chất chống dính trong dụng cụ nấu ăn, vật liệu xây dựng và mỹ phẩm. Các chất này phân hủy rất chậm và tích tụ theo thời gian, trong đất, nước uống và cơ thể.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ đã truy cập vào cơ sở dữ liệu nghiên cứu đa sắc tộc, khảo sát về sự phát triển ung thư ở 200.000 người dân Hawaii, Los Angeles, California (Mỹ). Phân tích sau đó thu hẹp xuống còn 100 người, trong đó 50 người đã mắc ung thư gan.
Các chuyên gia tìm thấy một số loại hóa chất vĩnh viễn ở những tình nguyện viên mắc bệnh, trong đó PFOS xuất hiện nhiều nhất. Nghiên cứu cho thấy những người nằm trong nhóm 10% phơi nhiễm PFOS có nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào gan cao gấp 4,5 lần so với người ít tiếp xúc.
Các chuyên gia nhận định nồng độ PFOS cao làm suy giảm khả năng chuyển hóa glucose, axit mật và axit amin chuỗi nhánh của gan, dẫn đến tích tụ chất béo không lành mạnh trong các cơ quan. Tình trạng này còn gọi là gan nhiễm mỡ ở người không nghiện rượu – một yếu tố nguy cơ gây ung thư gan.
Trước đó, các nhà khoa học cảnh báo về nguy cơ gây ung thư của hai hợp chất PFOS và PFOA. Năm 2006, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ yêu cầu 8 tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ loại bỏ các hóa chất này. Tuy nhiên, PFOS và PFOA vẫn xuất hiện trong các sản phẩm tại quốc gia khác, trong nước ngầm và cơ thể người.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí JHEP Reports. Đây cũng là công trình đầu tiên đánh giá mối tương quan giữa ung thư gan và hóa chất vĩnh viễn ở người. Các nhà khoa học chỉ ra rằng nguy cơ mắc ung thư cao nhất lên tới hơn 350%.
“Chúng tôi tin rằng công trình đang cung cấp những hiểu biết quan trọng về ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của hóa chất này, đặc biệt là việc chúng phá hủy gan ra sao. Nghiên cứu đã lấp lỗ hổng quan trọng trong hiểu biết của chúng ta về hậu quả thực sự khi tiếp xúc với hóa chất vĩnh viễn”, Tiến sĩ Leda Chatzi tác giả nghiên cứu cho biết.
Bảo Lâm
https://vietq.vn/hoa-chat-co-trong-chat-chong-dinh-co-kha-nang-gay-ung-thu-d203570.html