Không chỉ tác động xấu tới lá phổi, ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng tới trái tim và để lại những hậu quả xấu đối với quá trình trao đổi chất và cân nặng của con người.

Không khí ô nhiễm có thể gây béo phì?

Những thông tin như chế độ ăn uống nhiều chất béo hay sự thiếu vận động, tập thể dục dẫn đến béo phì đã trở thành một định kiến quen thuộc, thôi thúc chúng ta ăn ít đi, chăm chỉ tập gym, aerobic,..để có vóc dáng mơ ước. Nhưng bấy nhiêu đó thôi là chưa đủ để ngăn chặn tình trạng béo phì. Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Tây Ban Nha, được công bố trên tạp chí Health (Mỹ) cho thấy mức độ ô nhiễm không khí trong khu vực con người sinh sống tác động đến cách cơ thể lưu trữ chất béo, cũng như mức cholesterol, đường huyết, từ đó dẫn đến tình trạng thừa cân hoặc béo phì.

Thủ phạm chính là vi hạt, nhỏ hơn 2,5 micrometre hoặc Polycyclic aromati hydrocarbons (PAHs), một chất ô nhiễm được giải phóng ra từ việc đốt than, diesel, dầu và khí đốt. Nghiên cứu chỉ ra rằng sau khi cơ thể con người hít các chất độc hại trong khí thải hoặc không khí bẩn, phế nang nhỏ trong phổi sẽ được kích thích, khiến hệ thống miễn dịch khởi động cơ chế phản ứng áp lực, làm gia tăng tiết hormon và giảm hấp thu glucose trong cơ thể. Từ đó, nồng độ đường huyết sẽ rơi vào tình trạng không ổn định, dần dần gây mất cân bằng sự trao đổi chất trong cơ thể.

Nguy cơ gây hại khi trẻ còn trong bụng mẹ

Thậm chí, khói bụi ô nhiễm còn khiến cho nguy cơ béo phì ở trẻ em tăng cao ngay từ khi ở trong bụng mẹ. Một nghiên cứu được tiến hành trên 700 phụ nữ mang thai (không có phụ nữ nào hút thuốc) ở thành phố New York. Trong thời gian có bầu, những người phụ nữ này đeo trên người một cái túi đo chất lượng không khí trong lúc vẫn thực hiện các sinh hoạt thường nhật.

Sau một thời gian dài theo dõi, các nhà khoa học đã chỉ ra sự ô nhiễm không khí xung quanh khu vực sống đã khiến cho 21% những đứa trẻ bị béo phì ở tuổi lên 5 và 25% béo phì ở tuổi lên 7. Theo ước tính, với những đứa trẻ bị nhiễm chất ô nhiễm PAHs từ trong bào thai ở mức cao, khi bước vào độ tuổi lên 7, khối lượng chất béo bên trong cơ thể của bé sẽ cao hơn trung bình gần 2 kg so với những đứa bé bị nhiễm PAHs ở mức thấp.


Trẻ em là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Các nhà nghiên cứu ở Đại học California cũng đã theo dõi sự phát triển của hơn 2.300 trẻ em Mỹ và nhận thấy rằng trẻ em khoảng 10 tuổi sống gần các khu vực giao thông ô nhiễm nhất có trọng lượng trung bình cao hơn 0,9 kg so với trẻ em sống trong khu vực không khí sạch, hơn nữa phổi của các trẻ có những dấu hiệu tổn thương rõ ràng.

Đau đầu đi tìm giải pháp tối ưu?

Việt Nam đang nằm trong top 10 các quốc gia có chất lượng nguồn không khí bị ô nhiễm nhất thế giới. Nguồn không khí tại Hà Nội hiện nay ngày càng có xu hướng xấu đi và chưa có dấu hiệu được cải thiện, liên tục đứng trong top các thủ đô ô nhiễm nhất Châu Á. Không khí tại Tp.HCM tốt hơn nhưng cũng không quá khả quan

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Trần Khánh Vân – Phó trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, Việt Nam đang phải đối mặt với bệnh béo phì ở mức đáng báo động. Hơn 10 năm qua, chỉ tính riêng TP.HCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới năm tuổi tăng gấp ba lần. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh đã gia tăng gấp ba lần trong hơn 10 năm qua, từ 3,7% lên 11,5%; ở học sinh phổ thông cũng tăng gấp đôi, từ 11,6% lên 21,9% (số liệu 2017).

Để khắc phục tình trạng bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch đang ngày một tăng cao ở nước ta, giảm thiểu khói bụi, không khí ô nhiễm là việc làm cấp bách. Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề trên không hề đơn giản bởi nó liên quan tới một loạt các vấn đề về cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế.

Để bảo vệ bản thân khỏi ô nhiễm không khí, chúng ta có thể sử dụng điều hòa có chức năng lọc không khí hoặc máy lọc không khí tại gia. Khi ra đường, người dân có thể sử dụng khẩu trang từ nhà sản xuất uy tín, có khả năng lọc bụi PM2.5, khẩu trang nên có thiết kế ôm sát gương mặt để khói bụi không thể len lỏi vào đường hô hấp.

Trẻ em là đối tượng dễ gặp nhiều tổn hại sức khỏe hơn người lớn do ô nhiễm vì vậy, hãy tạo thói quen đeo khẩu trang hàng ngày cho con em mình và vệ sinh mũi mỗi tối để loại bỏ những bụi bẩn và vi khuẩn gây bệnh.

Theo Vietnamnet.vn (15/6/2019)