Với giá cực rẻ, những chiếc thìa, muỗng gỗ có chữ Trung Quốc phủ sơn bóng, véc ni bày bán tràn lan tại các chợ nhỏ khu vực nội đô và vùng ven Hà Nội. Chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng với loại sản phẩm này nếu ăn phải sẽ rất độc hại.
Cách phân biệt đũa sơn và đũa gỗ tự nhiên
Tại chợ Ngọc Hà, Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội), những chiếc thìa, muỗng hay đũa bằng chất liệu gỗ không có thông tin, nhãn mác bao gói bằng nilon có chữ Trung Quốc được bày bán phổ biến.
Chỉ với giá 10.000 – 15.000 đồng/sản phẩm, các loại muỗng, đũa gỗ không nhãn mác này có giá thấp hơn 1/3 sản phẩm trong nước. Chất liệu gỗ cũng nhẹ hơn và hầu hết đều được phủ sơn bóng và véc ni tạo màu cho sản phẩm.
Thìa, muỗng hay đũa bằng chất liệu gỗ không thông tin, nhãn mác được bao gói bằng nilon có chữ Trung Quốc được bày bán phổ biến tại nhiều chợ ở Hà Nội.
Chị Ngô Thị Thúy (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) một thời gian ngắn sau khi mua và sử dụng thìa gỗ cho biết, chiếc thìa gỗ gần như mất hết độ bóng, lộ ra thân gỗ với màu thâm đen trông rất mất thẩm mỹ.
“Lúc mới mua thìa gỗ trông đẹp mắt với màu vàng óng, có mùi thơm thế nhưng chỉ vài lần sử dụng mùi thơm mất đi, thay vào đó chiếc thìa trở nên bạc phếch, dễ bị nấm mốc”, chị Thúy cho biết.
Chị Thúy cũng cho hay có lần mua đũa được quảng cáo là gỗ mun với giá hơn 300.000 đồng/10 đôi nhưng sau khi dùng một thời gian ngắn nhưng đôi đũa này cũng trong tình trạng tương tự: bay màu và dễ bị nấm mốc.
Theo các chuyên gia hóa học, các loại sơn sử dụng như lớp bảo vệ bên ngoài để tạo độ bóng, tạo màu giả gỗ đều độc hại, mức độ tùy thuộc vào loại hóa chất và nồng độ hóa chất mà họ sử dụng.
Do đó, không được sơn bất cứ thứ gì lên trên bát đĩa hay đũa bởi các chất này có thể bị thôi ra trong một điều kiện hay nhiệt độ nào đó, nhất là các đồ dùng trong thực phẩm. Sơn và véc ni là các hợp chất hữu cơ, vì thế có những thành phần độc cho sức khoẻ con người.
Bên cạnh các nguy cơ từ thìa, muỗng, đũa gỗ phủ sơn bóng và véc ni, các chuyên gia còn khuyến cáo về sự mất an toàn từ các sản phẩm này vì các loại đũa, thìa được làm bằng gỗ rất dễ bị vi khuẩn, nấm mốc tấn công, đặc biệt là trong những ngày mưa ẩm.
“Nếu ăn bằng đũa, thìa gỗ có các vết mốc thì người dùng có nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, nhẹ thì gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, ói mửa, nặng thì sẽ bị ung thư. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân trong gia đình, các nhà nội trợ cần vứt chúng ngay hoặc có các cách loại bỏ ẩm mốc trên đũa, thìa gỗ để tránh rước bệnh vào người”, tiến sĩ Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến cáo.
Cách sử dụng đũa, muỗng, thìa gỗ an toàn
– Không nên dùng các loại đũa làm bằng gỗ được phủ sơn bóng vì trong sơn có chứa các kim loại nặng tạo màu gây đột biến nhiễm sắc thể, ung thư. Tốt nhất nên chọn đũa gỗ tự nhiên như gỗ tre già, dừa già hay gỗ mun được vót trơn láng, đầu đũa không bị tưa, không có khe lõm.
– Với đũa mới, phải rửa sạch bằng nước, luộc trong nước nóng trong nửa giờ, phơi khô rồi mới đem ra sử dụng
– Không được rửa sạch bằng xà bông và lau khô dễ bị vi khuẩn, vi nấm độc trong môi trường sẽ bám vào đồ ăn còn sót trên đũa và có nguy cơ lây vào thức ăn khi dùng đũa sau đó.
– Không nên dùng đũa lâu ngày. Thông thường các loại đũa được làm từ đũa tre, gỗ có hạn sử dụng là 3-6 tháng/lần. Do đó, nên thường xuyên thay đũa và lựa chọn những loại đũa có nguồn gốc rõ ràng để không gây nguy hại đến sức khỏe.
Theo Vietq