Hạn dùng cũng như bảo quản thuốc phải đạt tiêu chuẩn chất lượng mới đảm bảo lưu hành trên thị trường tuy nhiên nhiều người không hiểu rõ điều này dẫn tới những sai lầm khi dùng.

Thuốc kê theo đơn có thể giúp giảm đau, giảm viêm một cách hiệu quả và kiểm soát nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của bạn. Nhưng để đơn thuốc đó dùng một cách an toàn và hiệu quả nhất có thể thì phải được uống đúng cách và đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân không thực hiện đúng các bước khi dùng thuốc kê theo đơn, và mắc những sai lầm phổ biến khi sử dụng thuốc cũng như bảo quản để điều trị bệnh do thiếu hiểu biết.

Nhiều người còn có thói quen mua nhiều thuốc trong một lần, điều này là không nên, Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ đã đưa ra lưu ý rằng tất cả các yếu tố môi trường có thể làm hỏng thuốc và làm cho chúng kém hiệu quả hơn, bao gồm nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Vị trí tốt nhất để bảo quản các loại thuốc là một nơi khô ráo, thoáng mát như kệ trong tủ vải hoặc trên đầu văn phòng.

Thực tế trên thị trường thuốc tuyệt đối không có dược phẩm thuộc dạng thứ phẩm hay hạ giá như một số ngành hàng khác. Nếu dược phẩm còn hạn, đạt chất lượng thì được phép lưu hành. Nếu dược phẩm hết hạn, không đạt chất lượng thì bị đình chỉ lưu hành, bị thu hồi và tiêu hủy.

Theo tài liệu của Bộ Y tế, hạn dùng thuốc (expiry date) là thời điểm ghi trên nhãn dược phẩm (nguyên liệu, thành phẩm) mà trước thời điểm này dược phẩm đó được coi là đã giữ nguyên được các chỉ tiêu đã được phê duyệt (chất lượng) nếu được bảo quản trong các điều kiện tiêu chuẩn xác định. Sau thời điểm này (hết hạn dùng) dược phẩm đó được coi không còn đạt các chỉ tiêu trên nữa (không đạt chất lượng) và không được dùng.

 Hạn dùng và bảo quản thuốc phải hiểu đúng để dùng hợp lý. Ảnh minh họa

Hạn dùng thường gắn liền với điều kiện bảo quản. Không tuân thủ đúng các điều kiện bảo quản thì ngay khi chưa hết hạn dùng dược phẩm đó có thể không còn giữ được các chỉ tiêu nữa. Nếu thuốc có yêu cầu bảo quản ở điều kiện mát nhưng các nơi bán thuốc đều bảo quản ở điều kiện chưa đúng như: để nơi nóng, có thể tới 30-35oC, nơi có ánh nắng chiếu vào…thì chất lượng sản phẩm bị giảm và nếu qua kiểm nghiệm không đạt chất lượng thì bị thu hồi để tiêu hủy.

Hạn dùng là một quy định có tính kỹ thuật và pháp lý. Nhà sản xuất đã có các thực nghiệm khoa học và kinh nghiệm thực tế đảm bảo cho thời điểm đã ghi lên nhãn. Sau thời điểm đó họ không còn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Nếu người bán hàng, thầy thuốc, kỹ thuật viên… đem thuốc đã hết hạn dùng cho người bệnh là vi phạm quy chế dùng thuốc.

Trên thực tế việc bảo quản thuốc ở một số nơi vẫn còn tình trạng không tuân theo đúng và đủ các điều kiện bảo quản, đôi khi có thể do lỗi trong quá trình vận chuyển thuốc như: Gửi thuốc cho nơi mua nhưng để ở chỗ nóng trên xe khách, hay một số cửa hàng, đại lý tự vận chuyển thuốc bằng xe máy, bày bán thuốc ở nơi không đảm bảo yêu cầu về nhiệt độ… nên thuốc có thể bị giảm sút chất lượng, hư hỏng khi chưa hết hạn.

Bộ Y tế đã quy định 5 tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs) trong quy trình đảm bảo chất lượng thuốc – từ khâu sản xuất (Thực hành tốt sản xuất thuốc – GMP); kiểm tra chất lượng (Thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc – GLP); tồn trữ bảo quản (Thực hành tốt bảo quản thuốc – GSP); lưu thông phân phối (Thực hành tốt phân phối thuốc – GDP) và phân phối đến tay người bệnh (Thực hành tốt nhà thuốc – GPP). Việc áp dụng 5 tiêu chuẩn trên toàn quốc bảo đảm tính đồng bộ và toàn diện từ sản xuất, lưu thông và phân phối lẻ. Tất cả đều vì mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị và an toàn cho cộng đồng.

Nhà thuốc đạt chuẩn GPP là những nhà thuốc đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, về nhân sự và về hoạt động. Riêng về cơ sở vật chất, nhà thuốc phải có diện tích đạt tiêu chuẩn; có đầy đủ không gian bố trí, sắp xếp thuốc theo đúng quy chuẩn (khu trưng bày, khu bảo quản, khu mỹ phẩm…), đảm bảo các trang thiết bị, phương tiện cần thiết về bảo quản thuốc như: nhiệt kế tự ghi, điều hòa, tủ lạnh, máy hút ẩm hoạt động 24/24 đảm bảo điều kiện bảo quản thuốc theo yêu cầu của nhà sản xuất. Việc xây dựng Nhà thuốc đạt GPP không chỉ đảm bảo lợi ích cho cộng đồng mà còn giúp nâng cao uy tín cho nhà thuốc và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ bao gồm cung cấp thuốc và tư vấn dùng thuốc, góp phần đẩy mạnh việc kê đơn phù hợp, kinh tế và sử dụng thuốc an toàn, có hiệu quả.

Một số lưu ý khi bảo quản thuốc tại nhà

Mỗi loại thuốc đều có khuyến nghị riêng về bảo quản do đó người sử dụng cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong hộp thuốc hoặc hỏi ý kiến bác sĩ/dược sĩ về mọi hướng dẫn bảo quản cụ thể.

Môi trường lưu trữ, bảo quản thuốc:

– Môi trường lý tưởng của phần lớn các thuốc theo khuyến cáo là nơi có nhiệt độ là 15-25°C, độ ẩm <70%, tránh ánh sáng mặt trời.
– Tại nhà các thuốc nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô mát (trừ những thuốc bắt buộc phải để trong tủ lạnh, tủ đông) như tủ thuốc riêng, ngăn kéo tủ quần áo,… không để tủ thuốc trong phòng tắm, nhà bếp, tránh xa tầm nhìn và tầm với của trẻ em, vật nuôi.
– Không để thuốc trong cốp xe, các thuốc cần mang theo sau khi xuống xe thì nên mang theo chứ không để luôn trên xe.

Giữ thuốc trong hộp đựng ban đầu của nhà sản xuất:

– Không nên lấy thuốc ra khỏi bao bì của nhà sản xuất do các bao bì đóng gói đã được nhà sản xuất nghiên cứu phù hợp với điều kiện bảo quản của thuốc (tránh ánh sáng, chống ẩm).
– Người cao tuổi, người bệnh cần sử dụng thuốc hàng ngày thì các thuốc sau khi lấy ra khỏi bao bì đóng gói của nhà sản xuất cũng phải bảo quản tại nơi khô mát.

Bảo quản thuốc khi đi xa:

Trường hợp cần thiết phải mang thuốc khi đi xa, đi du lịch cần lưu ý đóng gói thuốc thuận tiện, giữ nguyên bao bì của nhà sản xuất, mang theo đơn thuốc (với các trường hợp xuất cảnh), chuẩn bị các phương tiện bảo quản thuốc đúng (gói chống ẩm, hộp trữ lạnh).

Bảo quản một số dạng thuốc cụ thể:

– Thuốc viên và viên nang: Để trong hộp kín, tránh ánh sáng, giữ nguyên bao bì đóng gói của nhà sản xuất. Không dùng tay ướt/bẩn khi lấy thuốc.

– Thuốc tiêm và vắc-xin: Nhiệt độ bảo quản thông thường là 2-8°C trừ trường hợp đặc biệt, do đó để trong ngăn mát tủ lạnh không bảo quản tại ngăn đá và ngăn rau (ngăn đá có nhiệt độ quá thấp và ngăn rau có nhiệt độ cao hơn gây hỏng thuốc). Không chạm tay vào vắc-xin sau khi tiếp xúc với thực phẩm.

– Insulin: Khi chưa mở nắp để tại ngăn mát tủ lạnh, sau khi mở nắp bảo quản ở nhiệt độ phòng giúp cho quá trình tiêm thuốc thuận tiện hơn (trừ khi có khuyến cáo đặc biệt của nhà sản xuất).

– Siro thuốc: Tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời, vặn chặt nắp sau khi mở để tránh vi khuẩn xâm nhập. Hầu hết siro thuốc nên được sử dụng trong vòng 1 tuần sau khi mở nắp.

– Các thuốc nhỏ mắt, mũi, tai: Tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời, khi sử dụng nên nhỏ thuốc ở một khoảng cách nhất định tránh để vòi/ống thuốc tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, tai làm cho phần thuốc còn lại dễ bị nhiễm bẩn.

 An Dương (T/h) 
https://vietq.vn/han-dung-va-bao-quan-thuoc-nhung-dieu-nen-luu-y-de-tranh-mac-sai-lam-d195461.html