Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng tiếp xúc với ánh sáng xanh từ đèn LED khiến quá trình trao đổi của cơ thể bị thay đổi tiêu cực, còn đèn OLED thì phần nào cải thiện tình trạng này.
Tất cả mọi người đều biết rằng tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh không tốt cho thị giác. Không những vậy, sử dụng thiết bị có ánh sáng vào ban đêm có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe con người. Các nhà nghiên cứu từ Nhật Bản đã xác định được một loại ánh sáng mới có tác dụng giảm thiểu những thay đổi sinh lý khi ngủ.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các nhà nghiên cứu từ Đại học Tsukuba đã so sánh tác dụng của điốt phát sáng (LED), được sử dụng rộng rãi nhờ đặc tính tiết kiệm năng lượng, với đi ốt phát quang hữu cơ (OLED) trong quá trình vật lý xảy ra trong khi ngủ.
Đèn LED trắng đa sắc phát ra một lượng lớn ánh sáng xanh, có liên quan đến nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe trao đổi chất. Ngược lại, OLED phát ra ánh sáng trắng đa sắc chứa ít ánh sáng xanh hơn. Tuy nhiên, điều các nhà nghiên cứu của Đại học Tsukuba muốn giải quyết là so sánh sự thay đổi chuyển hoá năng lượng trong lúc ngủ khi chịu tác động của việc tiếp xúc với đèn LED và OLED vào ban đêm.
Đèn LED trắng đa sắc phát ra một lượng lớn ánh sáng xanh, có liên quan đến nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe trao đổi chất. Ngược lại, OLED phát ra ánh sáng trắng đa sắc chứa ít ánh sáng xanh hơn.
Giáo sư Kumpei Tokuyama, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chuyển hóa năng lượng là một quá trình sinh lý quan trọng bị thay đổi khi tiếp xúc với ánh sáng. Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng so với đèn LED, độ phơi sáng của OLED sẽ giảm tác động lên cấu trúc giấc ngủ và chuyển hóa năng lượng, tương tự như đối với ánh sáng mờ”.
Để kiểm tra giả thuyết này, các nhà nghiên cứu đã cho 10 nam giới tham gia tiếp xúc với đèn LED, OLED hoặc ánh sáng mờ trong 4 giờ trước khi họ ngủ trong buồng trao đổi chất. Sau đó, các nhà nghiên cứu đo mức tiêu hao năng lượng, nhiệt độ cơ thể, quá trình oxy hóa chất béo và 6-sulfatoxymelatonin, thước đo mức độ melatonin, trong khi ngủ.
Giáo sư Tokuyama giải thích: “Các kết quả đã xác nhận một phần giả thuyết của chúng tôi. Mặc dù không có ảnh hưởng đến cấu trúc giấc ngủ, nhưng tiêu thụ năng lượng và nhiệt độ cơ thể trong khi ngủ đã giảm đáng kể sau khi tiếp xúc với OLED. Hơn nữa, quá trình oxy hóa chất béo trong khi ngủ thấp hơn đáng kể sau khi tiếp xúc với đèn LED so với OLED”.
Ngoài ra, quá trình oxy hóa chất béo trong khi ngủ có tương quan thuận với mức 6-sulfatoxymelatonin sau khi tiếp xúc với OLED, cho thấy rằng ảnh hưởng của hoạt động melatonin đối với chuyển hóa năng lượng thay đổi tùy thuộc vào loại ánh sáng tiếp xúc.
Giáo sư Tokuyama cho biết: “Do đó, tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có liên quan đến quá trình oxy hóa chất béo và nhiệt độ cơ thể trong khi ngủ. Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng các loại tiếp xúc ánh sáng cụ thể có thể ảnh hưởng đến việc tăng cân, cùng với những thay đổi sinh lý khác”.
Nhiều nghề nghiệp và hoạt động liên quan đến việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo trước khi ngủ. Nghiên cứu mới về tác động của các loại ánh sáng khác nhau đối với các quá trình vật lý có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn nguồn sáng thay thế. Lựa chọn ánh sáng trước khi ngủ phù hợp có thể giúp giảm thiểu hậu quả tiêu cực của việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm. Hơn nữa, những phát hiện này nâng cao kiến thức của mọi người về vai trò của ánh sáng trong quá trình chuyển hóa năng lượng trong khi ngủ.
Hương Giang (theo: Science Daily)
http://vietq.vn/han-che-tiep-xuc-voi-anh-sang-xanh-truoc-khi-di-ngu-tot-hon-cho-qua-trinh-chuyen-hoa-nang-luong-d189033.html