Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nhiều người thường xuyên mắc sai lầm khi xử lý và chế biến thực phẩm đã vô tình gây hại sức khỏe.

Rửa thịt gia cầm sống trong bồn rửa chén bát

Rất nhiều chị em có thói quen rửa thịt gia cầm sống trong bồn rửa chén. Thói quen tưởng bình thường nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hại. Cụ thể, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, thịt gia cầm sống thường mang nhiều vi khuẩn Campylobacter có khả năng gây ra các bệnh về đường ruột, nhất là tiêu chảy. Chính vì thế, khi rửa thịt gia cầm trong bồn rửa chén chẳng khác gì đang tự làm nhiễm khuẩn bồn rửa cũng như tay của mình, cho vi khuẩn có cơ hội lây lan và phát triển.

Các chuyên gia khuyên nên nấu chín kỹ để đảm bảo vệ sinh, an toàn. Trong trường hợp vẫn muốn rửa thịt sống, một nghiên cứu về an toàn thực phẩm của Đại học Drexel, Mỹ khuyên nên dùng giấy bếp để thấm, loại bỏ chất nhờn trên bề mặt thịt trước khi rửa. Bất kỳ bề mặt nào của thực phẩm cũng cần được khử trùng đúng cách để tránh nhiễm bẩn chéo.


Sai lầm khi rửa thịt gia cầm sống trên bồn rửa bát dễ phát sinh vi khuẩn gây hại. Ảnh minh họa

Nấu thịt lợn, hải sản không chín

Thịt, hải sản và kể cả trứng chưa nấu chín có thể chứa mầm bệnh. Thức ăn nên được nấu chín và nên ăn ngay khi vừa nấu xong. Thực phẩm chín nguội dần khi để ở nhiệt độ thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Thời gian để càng lâu, thì nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. Cần lưu ý, người già, trẻ nhỏ có sức đề kháng và khả năng tiêu hóa yếu hơn nên càng cần ăn chín, uống sôi, hạn chế đối đa đồ chưa được nấu kỹ.

Ngoài ra không nên để thức ăn nguội ở nhiệt độ phòng quá lâu trước khi cho vào tủ lạnh. Việc để thực phẩm dễ hỏng, bao gồm thịt, hải sản, trứng, trái cây đã bổ… ở nhiệt độ phòng trong 2 giờ hoặc hơn có thể sinh ra vi khuẩn có hại.

Theo các chuyên gia, cho thức ăn còn ấm vào tủ lạnh cũng không sao, miễn là nó được bọc màng bọc thực phẩm đủ mỏng để làm lạnh nhanh. Nếu thực phẩm còn nhiều, hãy chia chúng thành các phần nhỏ hơn để nguội nhanh.

Rã đông hoặc ướp thực phẩm ở nhiệt độ phòng

Vi khuẩn có hại trong thực phẩm có thể sinh sôi nhanh chóng ở nhiệt độ phòng. Tốt nhất nên rã đông an toàn thực phẩm trong tủ lạnh, trong nước lạnh hoặc trong lò vi sóng. Với việc ướp thực phẩm, sau khi đồ ăn đã được ướp, hãy giữ thức ăn trong tủ lạnh.

Nếm hoặc ngửi thức ăn

Nếm có thể giúp nhận diện món ăn còn an toàn không, nhưng thực ra không phải vậy. Người tiêu dùng sẽ không thể nếm, ngửi, nhìn thấy vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Nếu món ăn đã hỏng, dù chỉ nếm một lượng nhỏ cũng có thể gây ngộ độc… Cách tốt nhất là hãy chú ý đến hạn sử dụng trên bao bì thực phẩm và loại bỏ những thực phẩm hư hỏng đã hết hạn.

Không rửa tay

Đừng quên rằng vi khuẩn trên tay có thể làm ô nhiễm thực phẩm. Do đó, cần rửa tay bằng xà phòng và vòi nước chảy trong 20 giây trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm.

Không rửa trái cây và rau quả trước khi gọt vỏ và cắt lát

Vỏ của trái cây và rau quả có thể chứa nhiều vi khuẩn, những vi khuẩn này dễ dàng truyền sang trái cây và rau quả bằng dao hoặc bằng tay khi bạn gọt chúng. Do đó, nên rửa tất cả trái cây và rau quả dưới vòi nước chảy, ngay cả khi không ăn vỏ. Tuy nhiên, không khuyến khích sử dụng chất tẩy rửa rau và trái cây để làm sạch củ, quả.

Ngọc Nga (t/h)
https://vietq.vn/xu-ly-va-che-bien-thuc-pham-neu-mac-sai-lam-co-the-gay-hai-suc-khoe-d202672.html