36.2 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng 7 16, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngHải sản mùa du lịch: Cẩn trọng "con dao hai lưỡi"

    Hải sản mùa du lịch: Cẩn trọng “con dao hai lưỡi”

    Date:

    Related stories

    Du lịch biển vào mùa hè là lựa chọn yêu thích của nhiều gia đình, không chỉ để tận hưởng không khí trong lành mà còn thưởng thức những món hải sản tươi sống hấp dẫn. Tuy nhiên, bên cạnh vị ngon, không ít người đã phải trả giá vì dị ứng hoặc ngộ độc sau khi ăn hải sản.

    Hải sản là nhóm thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, phổ biến như cá hồi, cá ngừ, tôm, cua, mực, sò điệp, ngao, vẹm… nhưng lại cũng là thủ phạm hàng đầu gây dị ứng ở người lớn và trẻ nhỏ.

    Thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả mới đây cho thấy, một bệnh nhân đã bị ngộ độc nặng sau khi ăn so biển – một loài có ngoại hình giống sam nhưng chứa độc tố thần kinh cực mạnh tên Tetrodotoxin. Loại độc này tồn tại trong trứng, gan và ruột của so biển, không bị phân hủy bởi nhiệt, chỉ cần lượng rất nhỏ cũng có thể gây tê liệt, tụt huyết áp, suy hô hấp, hôn mê và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

    Tetrodotoxin không chỉ có trong so biển mà còn được tìm thấy ở cá nóc, bạch tuộc đốm xanh… với thời gian phát độc nhanh sau 10-45 phút ăn phải. Độc tố này hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như tê miệng, lan ra tứ chi, buồn nôn, tiêu chảy, yếu cơ, khó thở. Ở những ca nặng, người bệnh có thể tử vong trong thời gian ngắn nếu không được xử trí y tế đúng cách và kịp thời.

    Ngoài ngộ độc, dị ứng hải sản cũng là mối nguy không thể xem thường. Đây là phản ứng miễn dịch bất thường khi cơ thể nhận diện protein trong hải sản là chất gây hại, sinh ra histamin và hóa chất khác khiến người bệnh nổi mề đay, phát ban, sưng phù môi, lưỡi, cổ họng, khó thở, tiêu chảy, nôn ói… Nặng hơn, bệnh nhân có thể rơi vào sốc phản vệ – trạng thái cấp cứu nguy hiểm với biểu hiện tím tái, hạ huyết áp, rối loạn tri giác và tử vong nhanh chóng nếu chậm trễ điều trị.


    Ảnh minh họa.

    PGS. TS Nguyễn Thị Vân Hồng – nguyên Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: nhiều người chủ quan cho rằng “ăn quen sẽ hết dị ứng”, nhưng thực tế càng tiếp xúc, phản ứng dị ứng có thể càng nghiêm trọng hơn. Với dị ứng nhẹ, người bệnh có thể theo dõi tại nhà, ngừng ăn loại hải sản nghi ngờ, bổ sung nước, dùng thuốc chống nôn, chống tiêu chảy khi cần thiết. Nhưng nếu có biểu hiện như phỏng nước, khó thở, tụt huyết áp, cần nhập viện cấp cứu ngay lập tức.

    Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên đặc biệt cẩn trọng khi ăn hải sản trong mùa du lịch. Nếu có tiền sử dị ứng, phải tránh tuyệt đối loại đã từng gây phản ứng. Tuyệt đối không thử ăn những hải sản lạ hoặc chưa từng sử dụng trước đó. Tránh ăn hải sản đánh bắt ở vùng biển ô nhiễm, có thủy triều đỏ vì nguy cơ nhiễm tảo độc rất cao, đặc biệt ở các loại có vỏ như nghêu, sò, ngao. Khi ăn tại nhà hàng, hãy chọn nơi uy tín, nguồn gốc rõ ràng; nếu mua về tự chế biến nên ưu tiên hải sản còn sống, bảo quản lạnh đúng cách và đảm bảo an toàn thực phẩm.

    Ngoài ra, một sai lầm phổ biến nhưng cực kỳ nguy hiểm là ăn hải sản chung với các thực phẩm giàu vitamin C. Lý do là vì hải sản có thể chứa asen pentavalent – chất vốn không gây độc trong điều kiện bình thường nhưng khi kết hợp với vitamin C liều cao có thể bị chuyển hóa thành thạch tín (asen trioxide), gây ngộ độc cấp tính nguy hiểm.

    Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần hết sức thận trọng khi cho ăn hải sản lần đầu – chỉ nên thử với lượng rất nhỏ để theo dõi phản ứng, không nên ép ăn hoặc cho ăn nhiều ngay lập tức. Người có cơ địa dị ứng cần luôn mang thuốc dự phòng theo hướng dẫn bác sĩ. Nếu người ăn có biểu hiện khó thở, ngừng thở, tím tái, cần lập tức thực hiện hô hấp nhân tạo nếu cần và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

    Hiện chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc Tetrodotoxin hay dị ứng hải sản, việc điều trị chủ yếu là hồi sức tích cực và kiểm soát triệu chứng, vì vậy tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà để tránh hậu quả đáng tiếc. Mùa hè là mùa nghỉ dưỡng, nhưng chỉ một phút bất cẩn trên bàn ăn cũng có thể biến kỳ nghỉ thành cơn ác mộng. Đừng để niềm vui ngắn ngủi đổi lấy hậu quả dài lâu vì chủ quan với hải sản – một “con dao hai lưỡi” vừa ngon vừa nguy hiểm nếu không sử dụng đúng cách.

    Theo Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/hai-san-mua-du-lich-can-trong-keo-ruoc-hoa-vao-than-d235185.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img