Trung tâm Văn hóa Pháp (Viện Pháp) – L’Espace và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) cùng đối tác truyền thông Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức tọa đàm “Hà Nội – Paris: Có biên giới nào cho cho ô nhiễm không khí?” vào lúc 14h00 ngày 12/10/2019 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp – 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Thành phố Paris là thành phố đông dân nhất châu Âu và là một trong 10 thành phố đông dân nhất thế giới, với 2,2 triệu dân trên 100 km² trong khu vực đô thị có 11 triệu dân. Người dân Paris rất quan tâm tới chất lượng không khí, đặc biệt là chất lượng không khí ngoài trời, do giao thông đường bộ và hệ thống sưởi nhà ở.
Trong 20 năm qua, Paris đã theo đuổi một chính sách môi trường đầy tham vọng nhằm đáp ứng kỳ vọng cao của người dân: Năm 2004, Hội đồng Paris đã thông qua bản Kế hoạch khí hậu lần đầu tiên.
Và sau một loạt các buổi tham vấn bền bỉ, năm 2018, bản Kế hoạch đã được Hội đồng nhất trí đặt ra mục tiêu mới cho vùng thành phố Paris cho năm 2024 – năm của Thế vận hội Olympic và 2030.
Bản kế hoạch đưa ra đề cập đến các hành động cấp thiết vì lợi ích của người đi bộ, người đi xe đạp và giao thông công cộng và đặc biệt, trong năm 2017, vùng phát thải thấp (French Low Emission Zone) đầu tiên của Pháp đã được thành lập.
Tuy nhiên, thành phố Paris vẫn còn rất nhiều việc phải làm khi nguồn phát thải chính gây ra bụi mịn (PM2.5) là lò sưởi mở vẫn chưa được giải quyết triệt để và nhận thức của người dân về vấn đề chất lượng không khí trong nhà vẫn cần phải được thay đổi.
Thành phố Paris có kế hoạch phát triển các nghiên cứu có sự tham gia, thông qua việc sử dụng các cảm biến chi phí thấp để biết rõ hơn về việc sử dụng lò sưởi và thu thập ý kiến công chúng, tạo ra một kênh giao tiếp hiệu quả giữa chính phủ – người dân.
Trong một bối cảnh khác: Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế, Hà nội đã trở thành đô thị loại đặc biệt của Việt Nam gồm 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện ngoại thành với dân số hơn 8 triệu người (năm 2019). Việc tăng dân số quá nhanh cùng quá trình đô thị hóa đã khiến Hà Nội đối mặt với vấn đề ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường), từ giữa tháng 9 đến nay, chất lượng không khí tại Hà Nội luôn ở mức thấp, liên tục có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép, tăng mạnh so với các tháng trước và so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.
Ngày 2/10/2019, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cùng Hà Nội, TP HCM có giải pháp căn cơ, đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí “không để người dân kêu ca mà không đề ra giải pháp hữu hiệu”.
Từ trước tới nay, các tổ chức tại Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức phi chính phủ như Live&Learn, GIZ,…) đã và đang thực hiện một số giải pháp: Lắp đặt thêm các trạm cảm biến quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hạn chế sử dụng bếp than tổ ong; Hạn chế đốt rơm rạ; Xây dựng các đề xuất nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95; Xây dựng mô hình sân chơi tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo; Các chương trình truyền thông – giáo dục tại trường học – cộng đồng nhằm giúp công chúng hiểu rõ về chất lượng không khí và các hành động cần thiết, .v.v.
Vậy chúng ta – những người dân làm thế nào để hiểu và chủ động tham gia vào công tác bảo vệ bầu không khí chung của Hà Nội?
Và những bài học chia sẻ và trao đổi của thành phố Paris trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí mang lại cho Hà Nội những kinh nghiệm gì trong khi quản lý chất lượng không khí luôn cần tới một cách tiếp cận cụ thể, tính tới yếu tố mật độ cao và quản trị đô thị phức tạp như ở Paris và Hà Nội?
Buổi tọa đàm là nơi gặp gỡ giữa hai câu chuyện về hai thành phố ở hai châu lục cách xa nhau: câu chuyện về vấn đề ô nhiễm không khí và những nỗ lực thay đổi của thành phố Paris trong 20 năm qua sẽ gặp gỡ câu chuyện ô nhiễm hiện tại của Hà Nội.
Sự vào cuộc của cả hai thành phố trong hai câu chuyện này như thế nào cũng sẽ được đề cập tại tọa đàm. Đồng thời, thông qua hoạt động tương tác lồng ghép, các diễn giả và người tham dự sẽ cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe và hiểu đúng về ô nhiễm không khí, cũng như các giải pháp mà mỗi cá nhân có thể thực hiện.
Chương trình cũng mong muốn tạo ra một không gian để người tham dự có thể chia sẻ về các ý kiến và kỳ vọng đóng góp tiếng nói, hành động của mình, hướng tới một bầu không khí trong lành và một thành phố đáng sống.
Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (8/9/2019)