Thành phố Hà Nội dự báo rủi ro rò rỉ phóng xạ từ 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc sẽ là một trong những thảm họa đối với quá trình phát triển của thành phố thời gian tới.

Mới đây, TP.Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội”. Trong đó có đưa ra dự báo về 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với quá trình phát triển của thành phố như: Vỡ đê sông Hồng; ô nhiễm nguồn nước; cháy, nổ, đổ sụp công trình; tai nạn giao thông; rủi ro tại các sự kiện tập trung đông người; rủi ro dịch bệnh; rủi ro trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; rủi ro do mất điện diện rộng; rủi ro khi có các hoạt động khủng bố, phá hoại.

Đặc biệt là rủi ro do rò rỉ phóng xạ từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc là: Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1.000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam). Theo đánh giá, Hà Nội là một trong những tỉnh phía Bắc của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu 3 nhà máy này có sự cố. Do bụi phóng xạ có khả năng phát tán rộng làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước.


Hà Nội đã phê duyệt Đề án ‘Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố’ – Ảnh: Internet

Chỉ ra lý do thực hiện đề án, thành phố cho biết trong vài chục năm trở lại đây trên thế giới đã xảy ra nhiều thảm họa như trận động đất mạnh 8,9 độ richter xảy ra ngoài khơi Indonesia năm 2004 gây sóng thần làm thiệt mạng gần 300.000 người ở nhiều nước Đông Nam Á và Nam Á (là trận động đất mạnh nhất trong vòng 40 năm qua); vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine (4/1986) làm 140 công nhân bị nhiễm phóng xạ ở mức độ cao, khoảng 30 người chết, 600.000 người bị phơi nhiễm và ảnh hưởng đến 5 triệu người sống trong vùng lân cận với nhà máy.

Tại Việt Nam, rủi ro do thiên tai, lũ lụt xảy ra trên hầu khắp cả nước. Ngoài ra, một số sự cố mang tính thảm họa có nguyên nhân từ con người như tai nạn lật tàu hỏa năm 1982 tại Trảng Bom, Đồng Nai làm hơn 300 người thiệt mạng; sự cố cháy tòa cao ốc ITC tại TP.HCM năm 2002, làm thương vong hơn 100 người.

Đối với Hà Nội, đến nay có một số rủi ro có thể được coi là thảm họa do thiên nhiên gây ra: năm 1971, mưa to liên tục và một cơn bão lớn khiến hệ thống đê bị vỡ ở ba địa điểm, làm chết 100.000 người, úng ngập 250.000 ha và hơn 2,7 triệu người chịu thiệt hại; trận mưa lớn lịch sử cuối năm 2008 đã làm hầu hết khu vực nội thành Hà Nội ngập trong 5 ngày… gây thiệt hại ước tính khoảng 3.000 tỉ đồng.

Tại đề án này, Thành phố đưa ra nhiệm vụ kiện toàn cơ quan ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống rủi ro… Ngoài ra cũng phân công sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất phương án, trình UBND TP phê duyệt phương án, kiện toàn cơ quan ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2018.

Trong đó, giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND TP các nhiệm vụ liên quan đến các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ về phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa. Xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ, sự cố hạt nhân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa vỡ đê sông Hồng; Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa ô nhiễm nguồn nước.

Sở Xây dựng xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa đổ sụp công trình xây dựng, nhà ở. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa cháy công trình ngầm, cháy khu dân cư, cháy nổ phương tiện vận tải, chất dễ cháy, cháy nổ chung cư…

Sở Giao thông – Vận tải xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa tai nạn giao thông hoặc sập các công trình giao thông trên cao, giao thông ngầm,… Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống các thảm họa khủng bố, phá hoại và thảm họa giao thông hàng không…

Theo Motthegioi.vn