VASEP vừa có kiến nghị Chính phủ cùng các cơ quan liên quan giúp doanh nghiệp thủy sản gỡ vướng các quy định về xử lý nước thải.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có kiến nghị gỡ vướng cho doanh nghiệp thuỷ sản về xử lý nước thải. Trong đó, tập trung vào vấn đề vượt ngưỡng của chỉ tiêu phốt pho; vượt ngưỡng của chỉ tiêu Nitơ – Amoni; bất cập trong việc áp dụng quy chuẩn Việt Nam (QCVN) giữa nhà máy thủy sản trong và ngoài khu công nghiệp…

Theo phản ánh của VASEP, vấn đề vi phạm môi trường rất nhạy cảm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản do liên quan đến các cam kết tuân thủ và trách nhiệm với môi trường trong xuất khẩu thuỷ sản. Nhưng những bất cập nêu trên khiến hàng năm có đến 90% các nhà máy chế biến thuỷ sản sau thanh – kiểm tra đều bị vi phạm và phạt nặng bởi không thể đáp ứng các chỉ tiêu quy định, đặc biệt là chỉ tiêu phốt pho.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp một vướng mắc khác liên quan đến nước thải ao nuôi cá tra. Hiện ngành Tài nguyên và Môi trường không đồng ý áp dụng quy chuẩn QCVN 02-20:2014/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá trong ao, điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, mà yêu cầu nước thải của hoạt động nuôi cá tra phải đạt các chỉ tiêu ô nhiễm theo giới hạn quy định tại cột A QCVN 40:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp được ban hành kèm theo Thông tư số 47/2011/TT-BTNMT ngày 28/12/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.


Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó với quy định về xử lý nước thải. Ảnh: Tin nhanh Chứng khoán

Trong khi thực tế điều kiện xử lý nước thải trong quá trình nuôi cá tra toàn bộ được áp dụng phương án xử lý lắng lọc sinh học trong ao lắng thải. Điều kiện xử lý nước thải trong quá trình nuôi cá tra không phù hợp và khả thi cho phương án đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy trình xử lý với thiết bị công nghiệp như ở các nhà máy chế biến thuỷ sản.

Do đó, chất lượng nước thải từ ao nuôi cá tra trước khi thải ra môi trường bên ngoài yêu cầu có các chỉ tiêu gây ô nhiễm theo giới hạn cột A của QCVN 40:2011/BTNMT là rất khắt khe khó đạt được trong khi điều kiện xử lý chỉ ở phương án áp dụng biện pháp xử lý sinh học trong ao lắng thải.

Ngày 13/5/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo QCVN sửa đổi QCVN 11-MT:2015 về nước thải chế biến thuỷ sản nêu trên nhưng các quy định trong dự thảo chưa giải quyết các bất cập, vướng mắc theo kiến nghị của Hiệp hội VASEP tháng 4/2017.

Ngày 20/11/2017, Hiệp hội VASEP tổng hợp các ý kiến gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo, kiến nghị xem xét đối với QCVN nước thải chế biến thuỷ sản dựa trên các ý kiến khoa học khách quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có phản hồi, theo đó Bộ đang trong quá trình rà soát sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng quy định chặt chẽ hơn, ghi nhận các ý kiến góp ý cho dự thảo QCVN về nước thải chế biến thuỷ sản của VASEP và xem xét trong quá trình rà soát, sửa đổi, ban hành.

Trước tác động không nhỏ của vấn đề trên đối với công tác xuất khẩu thuỷ sản, qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội VASEP đề nghị Chính phủ và lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xem xét hỗ trợ giải quyết các kiến nghị của VASEP để đảm bảo sự hài hoà giữa quản lý nhà nước và các điều kiện của thực tế trên cơ sở khoa học và thông lệ quốc tế. Trong đó, sẽ lưu ý bỏ tiêu chí phốt pho ra khỏi Dự thảo QCVN 11:2017; Giữ ngyên mức giới hạn kiểm soát của Amoni và Nitơ như trong QCVN 11:2015.

Đồng thời, bổ sung khung pháp lý trong dự thảo QCVN để tạo cơ chế thoả thuận hợp lý giữa nhà máy thuỷ sản trong khu công nghiệp với Ban quản lý khu công nghiệp các tỉnh nhằm đảm bảo sự công bằng và hài hoà trong áp dụng QCVN nước thải chế biến thuỷ sản; Thống nhất áp dụng quy chuẩn QCVN 02-20:2014/BNNPTNT cho nước thải từ ao nuôi cá tra trước khi thải ra môi trường bên ngoài.

Theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản hiện nay (QCVN 11:2015/BTNMT), tất cả các nhà máy thủy sản đều sẽ bị phạt nếu bị thanh tra, kiểm tra nước xả thải. Bởi ngay cả với các DN đã bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư hệ thống xử lý nước xả thải, vẫn không cho ra được nước xả thải đáp ứng mọi tiêu chuẩn của QCVN.

Ông Ích cho biết, trong thực tế, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản đều có sử dụng phụ gia trong qua trình sản xuất, nên lượng phốt – pho trong nước thải tăng lên, sau khi xử lý thường vượt cao hơn so với yêu cầu 20-30 mg/l. Vì thế, ở nhiều thời điểm hoặc tùy mặt hàng, các DN thủy sản không thể đáp ứng được quy định hiện hành về nước xả thải.

Còn theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, để đạt tiêu chí môi trường theo quy chuẩn mới, đáp ứng chỉ tiêu phốt – pho là rất khó khăn. Thời gian qua, công ty đã thuê các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, xử lý tiêu chí phốt – pho đạt chuẩn nhưng chưa có giải pháp phù hợp. Hiện nếu để đạt chỉ tiêu này, tính ra công ty phải mất 3.000 đồng cho 1 kg thành phẩm. Hiện mỗi năm công ty xuất khoảng 50.000 tấn thành phẩm thì chi phí quá cao, khó cạnh tranh với các nước.

Theo Vietq