Hiện nay, hầu như mọi chiếc xe ô tô mới đều được nhà sản xuất ưu tiên thiết kế cửa sổ trời để tạo không gian thoáng, có thể mở lấy không khí tự nhiên và trở thành cửa thoát hiểm trong các trường hợp khẩn cấp như rơi xuống nước hay xe bị tai nạn. Tuy nhiên, vào mùa hè với cái nắng gần 40 độ C ở Việt Nam thì cửa sổ trời lại là nguyên nhân trực tiếp khiến xe tăng nhiệt một cách nhanh chóng.

Dán phim cách nhiệt

Chủ sở hữu có thể dán thêm phim cách nhiệt lên phần kính của cửa sổ trời. Điều này giúp giảm phần nào nhiệt độ cũng như ánh nắng chiếu thẳng vào trong xe. Vì vậy, người mua nên chọn loại phim cách nhiệt của những thương hiệu uy tín để đảm bảo khả năng cách nhiệt, chắn nắng, ngăn tia cực tím cũng như độ bền của sản phẩm.

Thông thường sẽ có 5 chỉ số chính như sau:

VLT: Tỉ lệ xuyên sáng

VLR: Tỉ lệ phản sáng

IRR: tỉ lệ cản tia hồng ngoại

UVR: Tỉ lệ cản tia cực tím

TSER: Tổng năng lượng mặt trời bị cản

Nhiều người khi tìm dán phim cách nhiệt chủ yếu được người bán tiếp thị các chỉ số UVR, IRR nhưng đây chỉ là số liệu tham khảo để chứng minh một dòng phim cách nhiệt có thể ngăn chặn tốt các tia có hại. Trong khi, người dùng nên tập trung vào 3 chỉ số còn lại gồm VLT, VLR và TSER. Tỉ lệ phản sáng (VLR) là điều người dùng nên quan tâm bởi đối với xe ô tô dán phim cách nhiệt chất lượng thấp, người lái dễ bị lóa, chói mắt khi điều khiển xe dưới trời nắng, gây mất an toàn. Một tấm phim cách nhiệt có chất lượng cao thường có tỉ lệ giảm lóa từ 20% hoặc cao hơn.


Tỉ lệ xuyên sáng càng thấp thì khả năng cách nhiệt càng tốt. Ảnh minh họa

Thứ 2 là tỉ lệ xuyên sáng (VLT). Một sản phẩm phim cách nhiệt được đánh giá tốt cần phân loại được các loại tia cần loại bỏ (UV, IR) và tia nên được giữ lại (tia sáng). Thông thường chỉ số càng thấp, phim càng tối. Đối với kính hai bên cho hành khách phía sau và kính hậu, tỉ lệ truyền sáng có thể thấp tới 5% để tăng cường khả năng cách nhiệt (loại bỏ năng lượng mặt trời). Nhưng đối với kính chắn gió (kính lái), kính bên cho người lái phía trước, tỉ lệ truyền sáng nên cao hơn, từ 60-70% để đảm bảo khả năng quan sát vào buổi tối.

Cuối cùng, ít người để ý đến chỉ số tổng năng lượng mặt trời bị cản (TSER) hay còn gọi là khả năng cách nhiệt. Trong khi đây mới là thông số quan trọng nhất của phim cách nhiệt. Một phim cách nhiệt tốt cần có chỉ số này đạt từ 40-60%, chỉ số tổng năng lượng mặt trời bị loại bỏ càng lớn, khả năng cách nhiệt của phim càng tốt.

Gắn thêm các tấm bìa cách nhiệt lên cửa sổ trời

Ngoài ra, người dùng cũng có thể tự trang bị thêm lớp bảo vệ cho trần xe bằng cách gắn thêm các tấm bìa che nắng lên cửa sổ trời. Loại bìa này được lưu hành phổ biến trên thị trường. Cùng với đó, chi phí của chúng cũng tương đối phải chăng hơn so với việc dán phim cách nhiệt. Dù hiệu quả chắn nắng nóng tương đối tốt, sử dụng phương pháp này sẽ khiến mất tính thẩm mỹ của cửa sổ trời.

Dùng bạt phủ hoặc ô dù chuyên dụng

Để hạn chế tình trạng quá nhiệt, trước hết người dùng nên hạn chế để xe dưới ánh nắng gay gắt. Trong những tình huống bất đắc dĩ, chủ sở hữu phương tiện cần trang bị bạt phủ xe hoặc tốt hơn là các loại ô dù chuyên dụng dùng cho ô tô. Tuy nhiên, lưu ý rằng bạt phủ có thể làm xước hoặc hỏng sơn xe. Người dùng không nên dùng bạt phủ cho những chiếc ô tô đi lại nhiều và bụi bẩn bám đầy. Nếu không, chúng ta có thể sẽ vô tình làm xước sơn của chiếc xe. Hãy rửa xe sạch sẽ trước khi dùng bạt phủ để bảo vệ lớp sơn ngoại thất, đảm bảo tính thẩm mỹ cho ô tô. Trong khi đó, ô dù chuyên dụng che nắng hiệu quả hơn, nhưng có thể bị lấy trộm nếu đỗ xe ở nơi không có người trông giữ.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/giai-phap-giam-nhiet-tu-cua-so-troi-o-to-trong-ngay-nang-nong-d213707.html