Những người trẻ tuổi có nguy cơ gặp phải các triệu chứng về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phế quản và tình trạng khó thở, chỉ sau 30 ngày sử dụng thuốc lá điện tử.
Để đi đến kết luận trên, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Thuốc lá thuộc Trung tâm Ung thư Toàn diện của Đại học bang Ohio (Mỹ) và Trường Y khoa Keck thuộc Đại học South California (Mỹ) đã sử dụng dữ liệu được thu thập được từ các cuộc khảo sát trực tuyến trong 4 năm nhằm xem xét tác động của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe thanh thiếu niên. Hơn 2.000 thanh thiếu niên với độ tuổi trung bình 17,3 tuổi đã tham gia các cuộc khảo sát này.
Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia hoàn thành một cuộc khảo sát trực tuyến về các triệu chứng hô hấp và việc sử dụng các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá truyền thống và cần sa. Khoảng 23% số người tham gia cho biết họ có tiền sử bệnh hen suyễn tại thời điểm khảo sát ban đầu. Các đợt khảo sát tiếp theo được thực hiện vào các năm 2015, 2017 và 2018. Những người tham gia được hỏi cụ thể về việc đã từng sử dụng các sản phẩm trên hay chưa. Nếu có, họ sẽ được hỏi về số ngày đã sử dụng một sản phẩm trong khoảng thời gian 30 ngày gần thời điểm khảo sát.
Những người chưa bao giờ dùng thử các sản phẩm trên được phân loại là “Chưa từng sử dụng” (nhóm 1), trong khi những người đã sử dụng một sản phẩm ít nhất một lần trong 30 ngày gần thời điểm khảo sát được phân loại là người dùng “trong 30 ngày qua” (nhóm 2). Kết quả cho thấy những người thuộc nhóm 2 có nguy cơ gặp phải tình trạng thở khò khè hay thở rít cao hơn 81% so với những người thuộc nhóm 1. Ngoài ra, những người thuộc nhóm 2 cũng sẽ dễ gặp triệu chứng khó thở cao hơn 78% và nguy cơ viêm phế quản cao hơn 50% so với nhóm còn lại. Mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá điện tử và các triệu chứng hô hấp vẫn tồn tại trong một phân tích phụ loại trừ những người tham gia có tiền sử hen suyễn.
Gia tăng tình trạng mắc bệnh hô hấp ở thanh thiếu niên chỉ sau 30 ngày hút thuốc lá điện tử. Ảnh minh họa
Theo nghiên cứu, điều đó chỉ ra rằng những tác động tiêu cực đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá điện tử đã xuất hiện ở tất cả những người tham gia, không chỉ những người mắc bệnh hen suyễn. Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu trên đóng góp thêm bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các triệu chứng hô hấp. Họ nhấn mạnh các cơ quan quản lý dược phẩm nên xem xét những phát hiện này và tìm giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe của những người trẻ tuổi do sử dụng thuốc lá điện tử.
Trong vòng chưa đầy một thập kỷ trở lại đây, thuốc lá điện tử đã thu hút một thế hệ mới sử dụng nicotine, trong đó có nhiều người trẻ tuổi. Việc sử dụng sản phẩm này không những làm tổn hại đến sức khỏe của hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên, mà còn đe dọa những tiến bộ đã đạt được trong việc giảm thiểu sử dụng thuốc lá ở những người trẻ tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên hiện cao hơn người trưởng thành nói chung tại nước này. Doanh số bán thuốc lá điện tử đã tăng gần 50% trong hai năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19, chủ yếu nhờ các sản phẩm dùng một lần có hương trái cây ngọt ngào vốn đã được thanh thiếu niên ưa chuộng từ lâu.
Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong. Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine – chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu.
Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai. Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn và đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ.
Song song đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chấp thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe.
Khói thuốc nung ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động. Vì thuốc lá làm nóng chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Phơi nhiễm các có trong thuốc lá làm nóng có thể gây ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung. Làm giảm việc cung cấp oxy tới tim làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ…
Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/gia-tang-tinh-trang-mac-benh-ho-hap-o-thanh-thieu-nien-chi-sau-30-ngay-hut-thuoc-la-dien-tu-d213307.html